Thành phố Đà Nẵng vừa thành lập Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề có liên quan khác đối với các dự án, khu đất trên địa bàn thành phố.
Thành lập "lực lượng đặc nhiệm" về tháo gỡ khó khăn đất đai
Tổ công tác do ông Lê Quang Nam, tân Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, làm Tổ trưởng; thành viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, theo thông tin từ website của Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ đề xuất hướng giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố Đà Nẵng và thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành một cách cụ thể nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề có liên quan khác đối với các trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố; và phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kết luận, kiến nghị; tham mưu, báo cáo và đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định.
Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan thường trực và bảo đảm điều kiện hoạt động của Tổ công tác.
Tuy nhiên, tổ công tác sẽ gặp không ít thách thức trong việc này, đặc biệt là tại những dự án lớn vẫn còn nằm trong diện thanh tra của Thanh tra Chính phủ nhiều năm qua, như các dự án liên quan đến khu đô thị Đa Phước và bán đảo Sơn Trà.
Như
TBKTSG Online đã đưa tin, sau ba năm tiến hành việc thanh tra, Thanh tra Chính phủ ngày 14-8-2020 đã có kết luận về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, thành phố Đà Nẵng. Hàng loạt sai phạm của chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp đã được nêu ra.
Sau đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm 2020 HĐND thành phố Đà Nẵng, các đại biểu HĐND bày tỏ lo ngại về những vướng mắc trong việc thi hành án liên quan đến dự án này cũng như sân vận động Chi Lăng. Đây là những dự án đã kéo dài nhiều năm nay, gây bức xúc trong nhân dân.
Cụ thể, phán quyết của TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định giao cho UBND thành phố Đà Nẵng thu hồi khu đất 29 ha thuộc dự án khu đô thị Đa Phước khiến nhiều người lo ngại. Phán quyết này sẽ gây ra sự bất an cho hàng trăm người dân đang sinh sống ổn định, hợp pháp tại dự án và có thể gây ra khiếu kiện đông người khi tổ chức thi hành án.
Phát biểu giải trình, ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết Khu đô thị Đa Phước hiện nay cơ quan thi hành án mới tập trung xác minh các điều kiện thi hành án. Đồng thời có những báo cáo nêu ra những khó khăn vướng mắc hiện nay cùng Ban chỉ đạo Trung ương tập trung tháo gỡ. Đối với sân vận động Chi Lăng, đây là những vụ việc vướng mắc khó khăn từ tháng 7-2019 đến nay, Cục Thi hành án đã có nhiều kiến nghị, văn bản đề nghị tháo gỡ vướng mắc, nhưng đến nay Toà án nhân dân tối cao vẫn chưa có văn bản trả lời đối với địa phương.
Ông Nguyễn Nho Trung, lúc đó là Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng, Cục Thi hành án dân sự thành phố cần quyết liệt hơn để tháo gỡ khó khăn trong thi hành án các vụ án đã nêu. Việc nào vượt thẩm quyền thành phố thì phải báo cáo với Chính phủ theo thẩm quyền. Những vấn đề người dân quan tâm cần phải giải quyết dứt điểm, đặc biệt là dự án khu đô thị Đa Phước.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn
Trước đó,
TBKTSG Online đã đưa tin, ngày 18-10-2019, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận số 1866/TB-TTCP về việc Thông báo Kết luận Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư trên Bán đảo Sơn Trà.
Sau đó hơn một năm, vào tháng 11-2020, UBND thành phố Đà Nẵng có thông báo kết luận về việc thẩm định lĩnh vực quốc phòng theo Kết luận 269 của Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường; việc xây dựng các dự án, công trình trên bán đảo Sơn Trà và giao cho các bên liên quan rà soạt và báo cáo.
Chiều 28-12-2020, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng có nói đến điều này.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho Đà Nẵng trong triển khai nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến, ông Lê Trung Chinh đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét, sớm ban hành các nghị định, nghị quyết liên quan đến Đà Nẵng, gồm: Nghị định quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng; Quyết định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Điều 8 Nghị quyết 119/2020/QH14 về điều chỉnh cục bộ
quy hoạch đô thị; và phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trong lĩnh vực đất đai theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 119/2020/QH14 và các đề nghị của thành phố. Đồng thời, quan tâm sớm triển khai thực hiện việc cho phép kéo dài thời hạn trả nợ
tiền sử dụng đất thêm một năm đối với chính sách thu nợ tiền sử dụng đất quy định tại Nghị định số 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Ông Chinh cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, có sức lan tỏa, nhằm kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên, như: tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (đoạn Hòa Liên - Túy Loan); nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 14B (đoạn từ Túy Loan đến giáp Quảng Nam); mở rộng nhà ga hành khách T1 và xây dựng ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, với công suất 80.000 - 100.000 tấn/năm; dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung)…