(Hoàng Quốc Huy)
Trả lời:
Những trường hợp được nhập hộ khẩu được quy định tại Khoản 2 Điều 1 Luật Cư trú sửa đổi bổ sung năm 2013 sửa đổi, bổ sung điều 20 Luật Cư trú 2006 như sau:
"a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;
e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột".
Người làm thủ tục nhập hộ khẩu phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu
Theo quy định trên, bạn đủ điều kiện được nhập khẩu vào nhà chú. Bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ xin nhập thủ hộ khẩu để nộp lên cơ quan công an quận nơi người chú đăng ký hộ khẩu thường trú. Hồ sơ gồm: Giấy chuyển hộ khẩu; Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Bản khai nhân khẩu; Giấy tờ và tài liệu chứng minh quan hệ với chủ hộ, sổ hộ khẩu của chủ hộ.
Tính từ ngày nhận đủ hồ sơ, trong thời hạn 15 ngày, cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết yêu cầu nhập hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; nếu không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Bình