Vợ tôi cùng mẹ vợ và con gái anh trai đã đến phòng công chứng làm thủ tục phân chia tài sản. Bà tặng tất cả tài sản của mình cho vợ tôi. Nhưng sau đó, cả 3 thống nhất tại phòng công chứng là cháu nội được hưởng 1/6 giá trị tài sản - Căn nhà mẹ vợ đã ở từ trước năm 1975 đến nay. Trong khi đó, cháu nội tôi ở Mỹ. Hiện mẹ vợ tôi đã già yếu và sống cùng vợ tôi trong căn nhà đó. Nay người cháu về ngỏ ý phân chia ngôi nhà này.
Vậy xin hỏi luật sư, vợ tôi và mẹ vợ tôi có phải phân chia nhà ngay theo yêu cầu của người cháu hay không? Nếu mẹ vợ tôi mất thì vợ tôi có phải chia nhà cho cháu mình?
Ngoài ngôi nhà nói trên, mẹ vợ và vợ tôi không có nhà nào khác để ở. Liệu vợ tôi có được ở trong ngôi nhà đó tới khi mua được nhà mới?
Nếu những người trong hàng thừa kế đã thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được công chứng, chứng thực thì thực hiện theo nội dung thỏa thuận. |
Theo thông tin mà bạn cung cấp cũng như thắc mắc cần giải đáp, luật sư tư vấn như sau:
Việc phân chia di sản theo pháp luật được quy định tại Điều 660, Bộ luật Dân sự năm 2015: "1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia."
Đối với trường hợp cụ thể của bạn, ngôi nhà là tài sản chung của bố mẹ vợ bạn. Cha vợ, anh vợ đã mất và không để lại di chúc thì ngôi nhà sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể, một nửa ngôi nhà sẽ được chia đều cho tất cả những người thuộc hàng thừa kế gồm mẹ vợ, vợ bạn và cháu nội. Nếu con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu nội được hưởng thừa kế thế vị phần di sản mà bố/mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống. Trường hợp người cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt sẽ được hưởng phần di sản mà bố/mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Một khi những người trong hàng thừa kế đã thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng, chứng thực thì thực hiện theo nội dung thỏa thuận. Trong trường hợp không thể chia đều bằng hiện vật, những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật, thoả thuận về người nhận hiện vật. Theo đó, người nhận hiện vật sẽ thanh toán giá trị cho cháu nội.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo