Thị trường khu công nghiệp và hậu cần Việt Nam sẽ sớm chuyển mình. Ảnh: Thuận Nguyễn
Theo JLL, sự tăng trưởng này có được là do 6 yếu tố chủ chốt.
Thứ nhất, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế theo hướng xuất khẩu và khuyến khích kinh doanh trong lĩnh vực này. Điều này được thể hiện rõ qua việc các phát triển các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung và Nam. Đồng thời, việc tham gia vào 18 hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho các công ty nội địa và nước ngoài.
Thứ hai, làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi Trung Quốc đến các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ vào vị trí chiến lược của mình, Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi.
Thứ ba, Việt Nam sở hữu một vị trí chiến lược, nằm giữa Trung Quốc và Singapore với 3260km đường bờ biển, tiếp giáp với biển Đông. Khoảng 40% lượng hàng hóa vận chuyển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương sẽ đi qua khu vực biển Đông này để đến được Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Thứ tư, sự tăng tưởng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng tăng cao và sự lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử ngày nay sẽ là những sung lực, nguồn cầu mạnh mẽ thúc đẩy thị trường logistic phát triển.
Thứ năm, sự đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng đã và sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu công nghiệp và logistics.
Cuối cùng, cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 cũng là động lực cho phân khúc này. Tuy nhiên JLL cũng cho rằng một trong những thách thức nhất của Việt Nam trong vòng vài năm tới chính là việc làm sao có thể thích nghi nhanh chóng và nắm bắt được những thay đổi do công nghệ và tự động hóa do Công nghiệp 4.0 mang lại.
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định, chúng tôi tin rằng thị trường công nghiệp Việt Nam sẽ sớm chuyển mình và phát triển lên một tầm cao mới, Việt Nam sẽ chuyển dịch từ một thị trường sử dụng nhiều lao động sang thị trường phát triển tập trung nhiều vốn.
Không chỉ JLL Việt Nam, Savills cũng cho rằng thị trường công nghiệp và hậu cần (logistic) tại Việt Nam đang nhận được sự quan tâm từ nhiều phía bởi tiềm năng phát triển trong thời gian gần đây.
Đơn vị này nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư an toàn, tiềm năng cao thì kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Á sang Âu.
Việt Nam đã thu hút dòng vốn FDI lên đến 35,6 tỷ USD trong năm 2017, tăng 44,4% so với năm trước, trong đó Nhật Bản là thị trường có lượng vốn ngoại rót nhiều nhất, đóng góp 9,11 tỷ USD.
Hoạt động sản xuất và chế biến chiếm 44,2% trong danh sách các ngành nghề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nhà sản xuất châu Á muốn tận dụng lợi thế của Việt Nam với lực lượng lao động trẻ trung, có tay nghề và mức lương chỉ bằng một nửa so với đội ngũ sản xuất của Trung Quốc. Nếu so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, giá nhân công của Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều.
“Đó thực sự là nền tảng cho sự phát triển bền vững,” ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam khẳng định và nói thêm rằng thị trường đầu tư công nghiệp đang bước vào giai đoạn khởi đầu. Cụ thể vào đầu năm nay, thị trường đã chứng kiến một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đó là giao dịch bán và cho thuê lại tại VSIP Park – Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam-Singapore – với mức sinh lợi lên đến 10,7%.
“Sản lượng công nghiệp trên 10% là lớn hơn nhiều nếu đặt lên bàn cân so sánh với lợi suất văn phòng chỉ 5-6%” ông khẳng định.