Đà Nẵng bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trước dự báo GRDP của TP sẽ tăng trưởng âm 1,5% trong năm 2021.Ngày 15-10, UBND TP Đà Nẵng phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Ngành ngân hàng TP đồng hành, tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19" .
Buổi tọa đàm có lãnh đạo các DN và đầy đủ đại diện NHTM tại Đà Nẵng.
Ngân hàng phải hỗ trợ mạnh tay hơn
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, đề nghị TP có ý kiến với NHNN bốn vấn đề.
Thứ nhất là không chuyển nợ quá hạn, nợ xấu với các trường hợp đến hạn trả nợ rơi vào thời điểm Đà Nẵng thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”. Thứ hai, đề nghị NHNN cho phép cơ cấu tăng thời gian trả nợ đến 30-6-2023.
Thứ ba, đề nghị NHNN có quy định riêng với khoản vay trung và dài hạn thì áp dụng thời gian giãn nợ tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc hợp đồng tín dụng, hoặc tối đa hai năm để ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện giãn nợ phù hợp với các ngành nghề nhất định.
Cuối cùng, ông Bình đề nghị NHNN đề xuất Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ mức lãi suất 3% cho DN thông qua các khoản nợ của DN vay NHTM như từng có năm 2009, khi khủng hoảng bất động sản.
“Hỗ trợ lãi suất là động lực lớn nhất cho DN phát triển, những liều thuốc này cần sớm thực hiện để DN phục hồi sản xuất nhằm đáp ứng hàng hóa dịp cao điểm cuối năm 2021”, ông Bình cho hay.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng.
Nhiều ý kiến của hội DN các quận huyện tại Đà Nẵng cho rằng tỉ lệ giảm lãi vay hiện nay không đáng kể. Cần thiết, phải giảm thêm lãi vay ở một số tháng đặc biệt.
Ngành ngân hàng cần có các gói vay không thế chấp để hỗ trợ những DN đã hết tài sản thế chấp nhưng có mức tín dụng tốt trong lịch sử nhằm bổ sung vốn lưu động.
Trước ý kiến của DN, đại diện một số ngân hàng như Agribank, ACB…cho hay luôn trăn trở với những khó khăn của DN và tạo mọi điều kiện trong khuôn khổ cho phép để hỗ trợ DN.
“Lo nhất là năm 2022 khi áp lực trả nợ đến cùng một lúc, khi đó DN có quay lại cũng còn hoạt động cầm chừng, không thể có doanh thu đủ lớn để trả nợ. Đây cũng là suy nghĩ, trăn trở rất lớn của chúng tôi”, đại diện ngân hàng ACB tại Đà Nẵng cho biết.
Thêm chính sách hỗ trợ DN
Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng, đơn vị cùng lãnh đạo TP đã rất nhiều lần có văn bản kiến nghị NHNN, Trung ương ban hành những chính sách kịp thời hỗ trợ DN. Nhưng một số kiến nghị còn phải chờ.
Ông Minh đề nghị các chi nhánh NHTM tại Đà Nẵng có ý kiến thêm với Hội sở chính đề xuất NHNN tháo gỡ các khó khăn cho DN, giúp DN “dễ thở” hơn trong việc trả lãi và dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp nhằm phục hồi sản xuất.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, có hai dự báo về tăng trưởng kinh tế TP năm 2021. Một là GRDP tăng trưởng âm 1,5%, hai là tăng trưởng dương 0,1%.
“Năm nay khó khăn hơn năm ngoái. TP rất chia sẻ với cộng đồng DN và đang nghiên cứu bổ sung các chính sách mới hỗ trợ. DN khôi phục sản xuất”, ông Minh nói.
Cụ thể, trước đây TP có Nghị quyết 149 do HĐND TP ban hành hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP. Nhưng thời gian qua các DN rất ít tiếp cận. UBND TP đang nghiên cứu và sẽ sớm trình HĐND TP sửa đổi Nghị quyết 149 vào kỳ họp đầu tháng 12 để các DN tiếp cận.
Ngoài ra, trước đây Quỹ đầu tư phát triển TP chỉ hỗ trợ cho các dự án thuộc danh mục kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên vừa qua Chính phủ cho phép và TP thống nhất triển khai vốn vay từ quỹ này đối với tất cả các lĩnh vực.
Đà Nẵng cũng sẽ dành ra khoảng 200 tỉ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất trong thời gian 24 tháng. Mỗi DN vay không quá 10 tỉ đồng và TP hỗ trợ 50% lãi suất.
Từ 23-1-2020 đến 31-8-2021, toàn ngành ngân hàng TP Đà Nẵng đã thực hiện cơ cấu 12.368 tỉ đồng dư nợ đối với 6.344 khách hàng. Ngành ngân hàng TP cũng đã giảm 20,11 tỉ đồng tiền lãi cho 772 khách hàng. Tổng mức cho vay mới toàn TP đạt hơn 271.000 tỉ đồng với gần 7.000 khách hàng.
(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)