Cụ thể, khu vực phía Đông đảo Lantau của Hồng Kông sẽ được bồi lấp để trở thành một đảo nhân tạo giúp mở rộng diện tích đất ở. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, đây sẽ là dự án xây đảo nhân tạo đầu tiên trong lịch sử Hồng Kông trong trường hợp công trình được thực thi.
Sau 5 tháng tham vấn, đề xuất này được đưa ra với diện tích lớn gấp 2 lần so với quy mô trong kế hoạch Đô thị Đông Lantau mà chính quyền Hồng Kông dự kiến đến năm 2030.
Tổ chức nghiên cứu Our Hong Kong Foundation cùng các đối tác cho hay, dự án trên có thể chia làm nhiều giai đoạn thực hiện. Công trình được đánh giá như một nhân tố mới giúp thay đổi vấn đề nhà ở tại Hồng Kông.
"Xây dựng một ngân hàng đất là một chiến lược tốt. Cách làm này sẽ giúp nâng cao chất lượng sống và tạo không gian cho những ngành công nghiệp mới", ông Joe Ngai, chuyên gia cấp cao của McKinsey (công ty tư vấn tham gia vào kế hoạch đảo nhân tạo) nhận định.
Đảo nhân tạo ở Hồng Kông rộng 2.200 ha nhằm mục đích mở rộng diện tích đất ở cho hơn 1 triệu dân. |
Được biết, Đổng Kiến Hoa, cựu Chủ tịch đặc khu hành chính Hồng Kông đã sáng lập nên tổ chức nghiên cứu Our Hong Kong Foundation. Cùng với McKinsey, công ty xây dựng quốc tế Arup và công ty tư vấn môi trường ERM là hai đối tác khác của tổ chức này trong việc đưa ra đề xuất xây đảo nhân tạo.
Theo đề xuất, hòn đảo nhân tạo sẽ có diện tích bằng khoảng 1/2 khu Kowloon, cung ứng chỗ ở cho khoảng 1,1 triệu dân. Cụ thể, 1/3 diện tích của đảo nhân tạo sẽ được dùng làm đất xây dựng nhà ở (70% là nhà bình dân); trong khi phần diện tích còn lại sẽ được sử dụng cho mục đích thương mại, công trình công cộng và các ngành công nghiệp mới.
Tổ chức nghiên cứu này cho rằng, hòn đảo này sẽ là khu thương mại thứ 3 của Hồng Kông sau khu trung tâm và Đông Kowloon. Thông qua hệ thống đường sắt và đường bộ, hòn đảo nhân tạo sẽ được kết nối với đảo Hồng Kông.
Dự kiến, dự án có thể cung cấp 250.000-400.000 căn hộ, góp phần lớn vào việc giải quyết tình trạng thiếu nhà ở hiện nay tại Hồng Kông. Tuy vậy, thời gian xây đảo có thể mất 14 năm và giai đoạn đầu tiên sẽ hoàn tất trong 11 năm.
Công trình có tổng vốn đầu tư vào khoảng 1.360 Đôla Hồng Kông/foot vuông (tương đương 173 USD/foof vuông), so với giá đất dao động từ 390-1.560 Đôla Hồng Kông/foot vuông ở khu Tân Giới.
Thế nhưng, bàn về dự án này, đã có những ý kiến lo ngại dự án xây đảo nhân tạo có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh vật biển, nhất là môi trường sống của cá voi trắng Trung Hoa - loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước đây, công trình khai hoang lớn nhất của Hồng Kông là dự án mở rộng sân bay quốc tế Hồng Kông vào thập niên 1990, với diện tích đất 1.248 ha ở khu Chek Lap Kok trên đảo Lantau. Nếu tính cả đường băng thứ 3 đang được xây dựng thì tổng diện tích khai hoang của dự án đạt khoảng 1.900 ha.
Hồi tháng 7/2018, trong một đợt tham vấn đất đai gồm 18 lựa chọn, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam đã phát đi tín hiệu ủng hộ việc khai hoang.