Ông Mauro Gasparrotti, Giám đốc bộ phận Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho biết, số lượng các dự án khách sạn tại Việt Nam được điều hành bởi các thương hiệu quốc tế tăng trưởng mạnh trong vài năm qua. Cụ thể, trong năm 2010 có 30 dự án thì đến cuối năm 2017 đã có 79 dự án. Đầu năm 2018, sự tăng trưởng càng rõ rệt khi thị trường liên tục công bố các thương hiệu điều hành mới như Best Western Premier (Quảng Bình và Long Hải), Mandarin Oriental, Movenpick (Tp.HCM).
Trong 3 năm qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam có thêm nhiều thương hiệu điều hành quốc tế mới như Double Tree by Hilton (Hạ Long, Vũng Tàu và Hà Nội), Ozo và X2 Vibe (dự án New Hoi An City), Glow (Đà Nẵng), Four Seasons (Quảng Nam và Hà Nội) và Mai House, Oakwood (Tp.HCM).
Lượng khách sạn trong nước được điều hành
bởi các công ty nước ngoài tăng mạnh trong thời gian qua
Mới đây nhất, trong tháng 8/2018, Công ty CP Bamboo Capital đã tổ chức lễ ký kết với hàng loạt đối tác xây dựng, quản lý, phân phối và hỗ trợ tài chính cho dự án Malibu Resort Hội An tại biển Hà My, Quảng Nam. Việc ký kết chiến lược cho dự án gắn thương hiệu MGM vào tên dự án và đại gia casino lừng danh thế giới này đóng vai trò là đối tác quản lý vận hành dự án nghỉ dưỡng Malibu.
Trong thời điểm này, MGM xuất hiện là một bất ngờ với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Bởi, năm 2013, ông trùm casio và quản lý bất động sản nghỉ dưỡng lừng danh thế giới này từng rút khỏi một dự án tỷ đô đình đám ở phía Nam nước ta.
Không vì mục tiêu cùng quản lý casino và khách sạn như trước, lần này, ông trùm casio tiếp cận thị trường khách sạn Việt Nam chỉ thuần túy nhắm đến mảng quản lý bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo ông Mauro Gasparrotti, các nhà điều hành quan tâm nhiều hơn đến các dự án khách sạn nghỉ dưỡng nhờ chất lượng sản phẩm tốt hơn và tạo được niềm tin với các đơn vị quản lý quốc tế. Bên cạnh đó cũng do các nhà đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.
Vị chuyên gia này nói, khi nguồn cung đến từ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng mới tăng nhanh, các chủ đầu tư sẽ học được kinh nghiệm thực tiễn từ các nhà điều hành quốc tế, từ đó cung cấp những sản phẩm chất lượng hơn. Ước tính đến năm 2019, thị trường này sẽ có thêm hơn 30.000 phòng khách sạn.
Hai năm qua, loại hình condotel tại Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng. Savills Hotels ước tính, đến năm 2020, tại các thị trường du lịch chính, condotel chiếm khoảng 65% nguồn cung tương lai. So với khách sạn hoặc resort, dòng sản phẩm này phức tạp hơn vì mang cả 2 tính năng của căn hộ và khách sạn. Mặt quản lý sản phẩm này cũng yêu cầu cao hơn. Nhưng đa phần các dự án tại Việt Nam chưa chú trọng đến vấn đề vận hành.
Theo đánh giá của Savills, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ vẫn chứng kiến sự tăng trưởng các thương hiệu điều hành quốc tế với nguồn khách đa dạng.