Khi tôi chào đời thì ông bà nội tôi đều đã mất. Khi đó, các anh em của bố tôi đã thỏa thuận chia đều đất hương hoả ông bà để lại. Sau đó, bố tôi cũng mất khi tôi mới 12 tháng tuổi.
Năm 1995, nhà đất bắt đầu có giá, các bác, chú đã tự ý đem bán mảnh đất đã chia cho bố tôi, còn đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà. Bây giờ, khi đã lớn, tôi muốn kiện các bác, chú của tôi để đòi lại mảnh đất đúng ra là của mẹ con tôi. Tôi dành dụm được khoản tiền khoảng 300 triệu đồng, không biết có đủ chi phí theo kiện không và tỷ lệ thắng kiện của tôi có cao không?
(Trần Văn Đức)
Phí kiện tranh chấp đất đai được căn cứ theo giá trị của mảnh đất tranh chấp. Ảnh minh họa
Trả lời:
Như thông tin trên đây bạn cung cấp, ông nội của bạn khi mất không có di chúc để lại. Vì vậy, theo điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, mảnh đất của ông nội bạn sẽ được phân chia theo pháp luật, các anh em của bố bạn cũng đã đồng ý việc chia đất. Bố bạn cũng đã được nhận phần thừa kế của mình trong số đất mà ông bà nội để lại. Do đó, việc các chú, bác đuổi mẹ con bạn đi và tự ý bán mảnh đất của bố bạn là trái pháp luật.
Tuy nhiên, thông tin cung cấp của bạn không nói rõ mảnh đất của bố đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa. Vì vậy có 2 trường hợp như sau:
1. Trường hợp mảnh đất của bố bạn đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì sau khi gửi đơn khởi kiện, bạn sẽ phải yêu cầu UBND xã tiến hành hòa giải. Nếu không hòa giải được, bạn sẽ nộp đơn khởi kiện lên TAND theo khoản một Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 (cùng với Biên bản hòa giải không thành của UBND xã).
2. Trường hợp mảnh đất của bố bạn chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì bạn có thể lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai.
Theo đó, những tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn đề nghị giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Về chi phí để theo đuổi vụ kiện (tức án phí), theo quy định của pháp luật thì mức án phí sơ thẩm vụ án đất đai phụ thuộc vào giá trị mảnh đất. Tuy nhiên bạn lại không nêu rõ giá trị của mảnh đất tranh chấp nên chưa thể tính giúp bạn được án phí khi khởi kiện.
Giả sử vụ kiện được đưa ra tòa án giải quyết, nếu mảnh đất của bố bạn có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ liên quan, hoặc nếu bố bạn không có Giấy chứng nhận nhưng bạn đưa ra được các hồ sơ, giấy tờ tài liệu, nhân chứng chứng minh mảnh đất đó là của bố bạn thì việc bạn khởi kiện đòi lại mảnh đất của bố bạn là hoàn toàn có cơ sở. Tòa án giúp bạn bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mẹ con bạn đối với mảnh đất đó.