Tin tức

Nhiều điểm mới trong Dự thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi

28/07/2022

Nhiều điểm mới trong Dự thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi

  

 Nhiều điểm mới trong Dự thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi


Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Để bảo đảm việc xây dựng dự án Luật nêu trên theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ này đã công khai dự thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trước khi trình Chính phủ.


   Sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.


   Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 02 chương. Trong đó, bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương.


   Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.


   Về cơ bản, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới, cụ thể:


   Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ các chế định cho xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn kết với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất theo 03 khu vực, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.


   Thứ hai, công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; chủ yếu giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn, động lực phát triển, có yêu cầu về hạ tầng đồng bộ, về kiến trúc.


   Quy định các tiêu chí cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không thông qua đấu giá, đấu thầu; trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát và nguồn thu ổn định, tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động hạch toán sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện các quy định đối với quản lý đất đai có liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng.

 Nhiều điểm mới trong Dự thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 1.


   Thứ ba, phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế quản lý thống nhất của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai thống nhất tập trung quản lý mọi biến động của từng thửa đất; các cơ chế kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền về phân cấp như thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu cập nhật các biến động về quản lý của địa phương về Trung ương, các cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.


   Thứ tư, tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chỉ được thu hồi đất sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, Nhà nước, nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi.


   Tiếp tục vận hành các cơ chế chuyển dịch tự nguyện theo thể chế kinh tế thị trường thông qua cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp quyền sử dụng đất. Để giải quyết tình trạng chậm triển khai dự án do chậm bàn giao mặt bằng Dự thảo Luật quy định thẩm quyền tách dự án đầu tư cho cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; đồng thời giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.


   Thứ năm, chuyển trọng từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang thực hiện đồng bộ các công cụ kinh tế, quy hoạch, hành chính để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai; quản lý dựa vào kết quả và mục tiêu cuối cùng. Hoàn thiện các quy định về giá đất theo nguyên tắc thị trường đảm bảo công khai, minh bạch, sự giám sát của Hội đồng nhân dân; các chính sách tài chính, ngân sách, thuế để điều tiết nguồn thu từ đất, địa tô tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư mang lại, giải quyết tình trạng đầu cơ, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.


   Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện các quyền nhất là quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai.


   Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp cùng các cơ chế góp quyền sử dụng đất để thúc đẩy tập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp, người có nhu cầu đất để sản xuất nông nghiệp và các cơ chế để nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.


   Thứ bảy, để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển Dự thảo Luật đã hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác; đất có mặt nước sử dụng đa mục đích v.v. Hoàn thiện các cơ chế để Tổ chức phát triển quỹ đất tạo lập quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất,...


   Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).


   3-6 tháng tới là thời điểm khó khăn đối với bất động sản

Thanh Phong

(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)

Bài viết khác
THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG QUÝ III/2022
[𝗧𝗛𝗢̂𝗡𝗚 𝗕𝗔́𝗢 𝗧𝗨𝗬𝗘̂̉𝗡 𝗗𝗨̣𝗡𝗚 𝗤𝗨𝗬́ 𝗜𝗜𝗜/𝟮𝟬𝟮𝟮] 𝗖𝗼̂𝗻𝗴 𝘁𝘆 𝗧𝗡𝗛𝗛 𝗫𝗮̂𝘆 𝗱𝘂̛̣𝗻𝗴 𝗧𝗵𝘂̛𝗼̛𝗻𝗴 𝗺𝗮̣𝗶 𝘃𝗮̀ 𝗗𝗶̣𝗰𝗵 𝘃𝘂̣ đ𝗶̣𝗮 𝗼̂́𝗰 Đ𝗮̀ 𝗧𝗵𝗮̀𝗻𝗵 Đ𝗼̂ 𝑺𝒂̀𝒏 𝒈𝒊𝒂𝒐 𝒅𝒊̣𝒄𝒉 𝑩𝒂̂́𝒕 đ𝒐̣̂𝒏𝒈 𝒔𝒂̉𝒏 Đ𝒂̀ 𝑻𝒉𝒂̀𝒏𝒉 Đ𝒐̂
14/07/2022
THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG QUÝ III/2022
[𝗧𝗛𝗢̂𝗡𝗚 𝗕𝗔́𝗢 𝗧𝗨𝗬𝗘̂̉𝗡 𝗗𝗨̣𝗡𝗚 𝗤𝗨𝗬́ 𝗜𝗜𝗜/𝟮𝟬𝟮𝟮] 𝗖𝗼̂𝗻𝗴 𝘁𝘆 𝗧𝗡𝗛𝗛 𝗫𝗮̂𝘆 𝗱𝘂̛̣𝗻𝗴 𝗧𝗵𝘂̛𝗼̛𝗻𝗴 𝗺𝗮̣𝗶 𝘃𝗮̀ 𝗗𝗶̣𝗰𝗵 𝘃𝘂̣ đ𝗶̣𝗮 𝗼̂́𝗰 Đ𝗮̀ 𝗧𝗵𝗮̀𝗻𝗵 Đ𝗼̂ 𝑺𝒂̀𝒏 𝒈𝒊𝒂𝒐 𝒅𝒊̣𝒄𝒉 𝑩𝒂̂́𝒕 đ𝒐̣̂𝒏𝒈 𝒔𝒂̉𝒏 Đ𝒂̀ 𝑻𝒉𝒂̀𝒏𝒉 Đ𝒐̂
14/07/2022
Hướng tới ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực Bất động sản.
Trên thế giới, Blockchain được quan tâm bởi khả năng cho phép chuyển quyền sở hữu tài sản gần như ngay lập tức theo một cách an toàn và người ta tin rằng khối chuỗi sẽ tạo ra một cuộc cách mạng hóa...
14/07/2022
Hỗ trợ trực tuyến