Hỏi: Tôi kết hôn vào năm 2010, sau đó năm 2011 cha mẹ chồng cho chúng tôi một căn nhà để sinh sống. Trên sổ hồng chỉ có chồng tôi đứng tên chủ sở hữu.
Năm 2012, chúng tôi sinh được một bé gái. Đến đầu năm 2017, chồng tôi qua đời vì căn bệnh ung thư. Sau khi anh mất được ba tháng thì cha mẹ chồng yêu cầu tôi trả lại nhà, ông bà cũng giữ luôn sổ hồng và đuổi mẹ con tôi đi vì con tôi là con gái.
Xin hỏi mẹ con tôi có quyền lợi gì với căn nhà chồng tôi để lại không? Nếu có mẹ con tôi phải liên hệ với cơ quan nào để đòi quyền lợi?
Thanh Nhàn (huyện Cần Giờ, Tp.HCM)
Tài sản riêng của chồng khi qua đời không để lại di chúc sẽ được
chia theo hàng thừa kế.
Ở trường hợp của bạn, do chồng bạn được cha mẹ tặng cho riêng nên căn nhà là tài sản riêng của chồng bạn. Căn nhà này thuộc quyền sở hữu của chồng bạn, do đó khi chồng bạn qua đời thì sẽ phát sinh thừa kế với tài sản này. Chồng bạn khi mất đã không để lại di chúc nên tài sản thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật.
Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 651 của Bộ luật Dân sự 2015 có nêu: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Đối chiếu với trường hợp của bạn thì ngôi nhà trên sẽ được chia đều cho những người sau: Bạn, con bạn, cha chồng, mẹ chồng được đồng thừa kế và có quyền lợi ngang nhau. Vì thế, dù là nhà ông bà cho con trai nhưng việc đòi lại nhà và đuổi mẹ con bạn ra khỏi nhà cũng là không đúng. Trường hợp không thỏa thuận được về việc phân chia di sản thừa kế với cha mẹ chồng, bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án cấp quận, huyện nơi có bất động sản để được giải quyết.
Công ty BĐS Đà Thành Đô st