Với xuất phát điểm là một vùng nông thôn - nông nghiệp, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, sau 23 năm, quận Ngũ Hành Sơn có bước phát triển vượt bậc, thu ngân sách giai đoạn 2016-2019 đạt 3.111 tỷ đồng, tăng 67 lần so với giai đoạn 1997-2000. Đây chính là cơ sở để Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu phát triển đưa Ngũ Hành Sơn trở thành một cực tăng trưởng mới của thành phố.
Bí thư Quận ủy Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, để trở thành một cực tăng trưởng mới của thành phố, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn nhiệm kỳ 2020-2025 được xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung chương trình và kế hoạch của thành phố trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Quyết định số 147/QSS-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quận ủy xác định các nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh hàng đầu là tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh về mọi mặt nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng phải đạt hiệu quả nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín; chủ động lựa chọn, đánh giá đúng những cán bộ có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ để quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm vào vị trí phù hợp.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, sắp đến quận không còn HĐND cấp quận và phường. Do đó, ngay từ bây giờ, quận sẽ chủ động chuẩn bị phương án thích nghi, nhất là công tác sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho phù hợp; tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử và tăng cường thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử. Đồng thời, đề xuất đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm mỗi cấp chính quyền trên các lĩnh vực.
Về kinh tế, quận xác định phải đổi mới mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu và bền vững để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, gắn kết phát triển kinh tế với bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố.
Đến nay, quận đã chủ động xây dựng và thực hiện kịch bản chương trình tái thiết phục hồi hoạt động kinh tế, dịch vụ, du lịch sau Covid-19; tập trung triển khai Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao và phát huy hiệu quả chuỗi kết nối, liên kết vùng trên địa bàn quận. UBND quận đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tổ chức có chất lượng các lễ hội văn hóa truyền thống như Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội Vu Lan báo hiếu nhằm tiếp tục truyên tuyền, quảng bá thu hút du khách đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn gắn với văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử, Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước.
UBND quận tăng cường hỗ trợ, tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, phát triển lâu dài, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, nhất là các ngành có tri thức cao, tạo ra giá trị lớn như: lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ, du lịch..., qua đó góp phần tạo nguồn thu ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, quận xác định chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân để tạo ra sự ổn định và phát triển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ quận.
Trao đổi về thêm về triển khai các dự án, công trình mang tính động lực thúc đẩy và tạo đột phá phát triển của quận, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa cho biết, cả hệ thống chính trị của quận đang nỗ lực tập trung cho công tác vận động giải tỏa đền bù, ban giao mặt bằng tại các dự án trọng điểm của quận. Đặc biệt là các dự án tổ hợp dự án pháo hoa quốc tế, khu đô thị Đại học Đà Nẵng, khu đô thị FPT, Công viên Văn hóa Lịch sử Ngũ Hành Sơn, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cơ sở 2, khớp nối tuyến đường Chương Dương nối dài, khơi thông sông Cổ Cò và hệ thống hạ tầng (kè, cầu, đường, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng dọc hai bên bờ sông) nhằm phát huy lợi thế, thúc đẩy du lịch đường sông giữa Đà Nẵng và Quảng Nam.
UBND quận tiếp tục trình thành phố xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho Công viên Văn hóa Lịch sử Ngũ Hành Sơn, Khu căn cứ cách mạng K20. Quận tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của thành phố khai thác có hiệu quả các bãi tắm công cộng và tuyến đường du lịch ven biển để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí ven biển, du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án khu phố du lịch An Thượng, xây dựng chợ đêm kết hợp phố đi bộ tại khu du lịch An Thượng, phường Mỹ An.
Bên cạnh những giải pháp trọng tâm nói trên, quận cũng sẽ kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách dành riêng cho quận để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong tương lai, sớm đưa quận Ngũ Hành Sơn trở thành khu đô thị hiện đại phía Đông Nam thành phố và trở thành cực tăng trưởng mới của Đà Nẵng.