Thủ tục pháp lý

Hướng dẫn nhận biết sổ đỏ giả để tránh bị lừa

14/10/2021

Hướng dẫn nhận biết sổ đỏ giả để tránh bị lừa

 

Vấn nạn sổ đỏ giả trở thành mối lo ngại với nhiều người khi giao dịch mua nhà đất, đặc biệt là những người không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

 

   Nhà đất là tài sản lớn, có khi là công sức tích cóp cả đời của một người, một gia đình. Do vậy, các cá nhân, tổ chức mua bán, giao dịch bất động sản cần đặc biệt chú ý tính pháp lý trong nếu không muốn “mất trắng” chỉ vì một phút bất cẩn. Dưới đây là một số cách nhận biết sổ đỏ giả giúp bạn yên tâm khi mua nhà đất, tránh để những kẻ lừa đảo có cơ hội “qua mặt”.
 

   Thủ đoạn lừa đảo mua bán nhà đất bằng sổ đỏ giả

 

   Với hình thức lừa đảo mua bán nhà đất bằng sổ đỏ giả, kẻ gian có thể nhắm tới cả hai đối tượng là người bán và người mua.
 

   Trong trường hợp người mua bị lừa đảo, các đối tượng lừa đảo sẽ vào vai người cần bán đất hoặc người được ủy quyền. Giấy tờ, sổ đỏ được chúng làm giả dựa trên sổ đỏ thật hoặc thậm chí không có thật để bán cho một hay nhiều người mua. Sau khi gom đủ số tiền lớn thì chúng sẽ “cao chạy xa bay”.
 

   Mặt khác, người bán cũng là đối tượng bị lừa khá phổ biến. Cụ thể, kẻ lừa đảo sẽ vào vai người đi mua nhà và liên hệ với người có nhu cầu bán nhà, đất. Chúng sẽ đưa ra lý do là “cần phải xác thực lại thông tin” để hỏi mượn sổ, xin lấy thông tin sổ. Và tất nhiên, với sự trợ giúp của máy móc và công nghệ, một cuốn sổ giả giống hệt sổ thật sẽ được tạo ra. Khi đó, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm cách đánh tráo sổ thật với sổ giả, hoặc sử dụng chính sổ giả vừa tạo ra để đi lừa người mua.
 

   Cách nhận biết sổ đỏ giả
 

   Dùng kính lúp kiểm tra

 

   Một cách nhận biết sổ đỏ giả phổ biến là dùng kính lúp để soi họa tiết, hoa văn. Thông thường, giấy chứng nhận giả được in màu kỹ thuật số nên các chi tiết không sắc nét, không có các tổ hợp chấm mực hồng và thậm chí trên cùng một chi tiết in còn có nhiều hạt mực với màu sắc đậm, nhạt khác nhau.


họa tiết trên sổ đỏ giả

Họa tiết, hoa văn trên giấy chứng nhận giả


   Trong khi đó, giấy chứng nhận thật được in bằng phương pháp in offset nên rất sắc nét, màu mực đồng nhất trên cùng một chi tiết in và sẽ có các tổ hợp chấm mực như hình dưới đây.


họa tiết trên sổ đỏ thật

Họa tiết, hoa văn trên giấy chứng nhận thật


   Với sổ đỏ ép plastic thì người mua càng cần phải cẩn thận hơn. Bởi lẽ, phương pháp làm giả sổ đỏ phổ biến là quét lại sổ gốc rồi in màu riêng từng mặt, sau đó dán lại với nhau chứ không in 2 mặt vì khó canh đều. Khi dán 2 mặt của một cuốn sổ với nhau sẽ để lại dấu vết và để khắc phục tình trạng này, kẻ gian sẽ đem ép plastic cuốn sổ giả. Như vậy, khi sờ tay trên mặt sổ đỏ giả, bạn sẽ không thấy những phần in nổi mà chỉ thấy hình ảnh.
 

   Dùng đèn pin kiểm tra sổ đỏ giả

 

   Ngoài dùng kính lúp để kiểm tra sổ giả, bạn còn có thể dùng đèn pin chiếu vào vị trí dấu sổ đỏ (ở góc dưới bên phải mặt trước sổ hồng) một góc khoảng 10-20 độ. Với sổ đỏ thật, Quốc huy Việt Nam được in lồi lên, nội dung rõ ràng; mã số hiệu tại đó được đóng hoặc in bằng phương pháp in Typo vào chính giữa dấu nổi. Nếu là sổ đỏ giả, hình dấu Quốc huy được in lõm, không rõ nội dung; mã số hiệu được tạo bằng phương pháp in màu kỹ thuật số nên thường bị lệch so với hình dấu nổi.


quốc huy trên sổ đỏ thật

Hình Quốc huy trên sổ đỏ thật

quốc huy trên sổ đỏ giả

Hình Quốc huy trên sổ đỏ giả


   Kiểm tra số seri

 

   Để biết sổ đỏ là thật hay giả, bạn xem kỹ các vị trí thường bị tẩy xóa như số sổ, loại đất, số vào sổ, hình thức sử dụng, thời hạn, diện tích, sơ đồ. Nếu sổ đỏ có trang bổ sung thì cần kiểm tra trang này có gồm dấu giáp lai, phương pháp in có phải là in offset, các thông tin trên trang có bị tẩy xóa không. Với sổ đỏ đã thế chấp nhiều lần thì cần kiểm tra dấu, chữ ký của phòng Tài nguyên Môi trường hoặc văn phòng đất đai.
 

   Kiểm tra con dấu và chữ ký

 

   Thực tế cho thấy, một số trường hợp sổ đỏ giả có thông tin về con dấu và chữ ký không thống nhất, chẳng hạn chức danh đề ký thay chủ tịch UBND nhưng phần con dấu lại ghi Chủ tịch. Do vậy, nếu thấy dấu hiệu này thì có thể đó là sổ giả.
 

   Xác minh tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất

 

   Trước tình trạng làm giả sổ đỏ, sổ hồng nhiều như hiện nay, người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến nhà đất nên mang sổ đỏ đến cơ quan có thẩm quyền như Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để xác minh hiện trạng nhà đất, tính chính xác của giấy chứng nhận rồi mới giao tiền. Bạn cũng có thể xác minh sổ đỏ tại các văn phòng công chứng lớn bởi họ có máy soi hiện đại, đội ngũ công chứng viên giàu kinh nghiệm sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện ra giấy tờ nhà đất giả.
 

   Cẩn trọng trước các dấu hiệu bất thường

 

   Trong quá trình giao dịch, mua bán nhà đất, nếu thấy đối tác có các dấu hiệu bất thường như đưa ra mức giá bán thấp hơn hoặc giá mua cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường; luôn hối thúc giao dịch nhanh; quá thoải mái, dễ dãi khi thực hiện đàm phán; cung cấp thông tin mập mờ... thì bạn cần phải chú ý và kiểm tra giấy tờ thật cẩn thận.
 

   Lưu ý

 

   Ngoài nắm rõ cách nhận biết sổ đỏ, sổ hồng giả khi mua bán, sang nhượng nhà đất, người mua cũng nên lưu ý các vấn đề:


   - Đảm bảo nhà đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.

   - Nhà đất không có tranh chấp về quyền sở hữu.

   - Nhà đất dự định mua không thế chấp ngân hàng, không bị kê biên thi hành án hay để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

   - Bên bán là chủ sở hữu nhà ở hoặc là người đại diện đã được ủy quyền theo quy định của pháp luật và phải có năng lực hành vi dân sự.

   - Người mua nên yêu cầu người bán cung cấp bản sao có công chứng mới nhất của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cùng hộ khẩu, chứng minh thư của người bán, đồng thời kiểm tra lại điều kiện bán nhà, đất tại UBND cấp xã nơi có đất.
 

Khánh An
(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)

Bài viết khác
8 điểm mới của Luật đất đai 2022 và thuế mua bán nhà đất bạn nên biết
Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết "Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022", trong đó có sự điều chỉnh Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2021. Điều này sẽ mang đến...
28/07/2022
Đất trong quy hoạch có được chuyển mục đích sử dụng không?
​​​​​​​Bạn đọc có email lanlan6382@gmail.com hỏi: Gia đình tôi có sở hữu lô đất nằm tại quận Bình Tân. Lô đất này nằm trong quy hoạch dự phóng hẻm từ năm 2007 theo quyết định của quận. Tôi thấy trên...
18/07/2022
5 trường hợp sổ đỏ, sổ hồng đã cấp vẫn bị thu hồi
Sổ đỏ, sổ hồng đã cấp sẽ bị thu hồi nếu không đúng đối tượng, không đúng diện tích, không đúng mục đích sử dụng đất…
14/07/2022
Chuyển nhượng là gì? Mẫu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Chuyển nhượng là việc chuyển quyền sở hữu hoặc sở hữu các loại tài sản hợp pháp, bao gồm cả bất động sản sang cho cá nhân, tổ chức nào đó theo thỏa thuận. Thỏa thuận này thường sẽ được lưu dưới dạng...
13/07/2022
Hỗ trợ trực tuyến