Mời độc giả của Batdongsan.com.vn cùng tìm hiểu về ý nghĩa, cách bày mâm ngũ quả ngày Tết theo triết lý phong thủy:
Triết lý duy vật cổ đại cho rằng, vạn vật trong vũ trụ được hình thành từ 5 yếu tố ban đầu là Kim; Mộc; Thủy; Hỏa; Thổ gọi là ngũ hành. Mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt chính là xuất phát từ triết lý này.
“Ngũ” tức năm, 5 loại quả đại diện cho ngũ hành, biểu tượng chung của sự sống. “Ngũ quả” là một biểu tượng trọn vẹn cho sự sinh sôi, trường tồn và tái sinh bất tận của tự nhiên.
Mâm ngũ quả bao gồm 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau theo ngũ hành, trong đó quả màu trắng sáng đại diện cho hành Kim; quả màu xanh đại diện cho hành Mộc; quả màu đen đại diện cho hành Thủy; quả màu đỏ đại diện cho hành Hỏa; quả màu vàng đại diện cho hành Thổ.
Với một nước nông nghiệp như Việt Nam, “quả” cũng là thành quả của quá trình lao động. Do đó, người Việt chọn 5 loại quả tượng trưng cho sự sống, sự hòa hợp của đất trời, kết tinh thành quả lao động để tỏ lòng thành kính dâng lên tổ tiên. Xét về phong thủy, mâm ngũ quả thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan sâu sắc của người xưa.
Ngoài ra, 5 loại quả này còn tượng trưng cho những ước nguyện, mong cầu của gia chủ về một cuộc sống sung túc, viên mãn: Phúc - Quý – Thọ - Khang – Ninh (may mắn; giàu có, sang trọng; sống lâu; khỏe mạnh; bình an).
Chọn trái cây tươi, mới hái để bày mâm ngũ quả.
Người Việt khắp ba miền Bắc – Trung – Nam đến nay vẫn giữ được phong tục bày mâm ngũ quả ngày Tết dù một số phong tục cổ truyền khác đã ít nhiều mai một. Các gia đình dù đã đủ đầy, sung túc hay còn khó khăn thiếu thốn vẫn cố gắp sắp sửa mâm ngũ quả thật tươm tất để dâng cúng tổ tiên. Các loại quả được chọn lựa kỹ lưỡng, vừa hái ở vườn còn tươi, sau đó được sắp xếp trên một chiếc mâm lớn. Trong đó, nải chuối để ở dưới nâng đỡ các quả nhỏ hơn, bên trên là các loại quả sắp xếp xen kẽ nhau, hoặc các loại quả lớn như dừa, bưởi, phật thủ đặt ở giữa xung quanh là các quả nhỏ, tạo thành bố cục vững chãi, đầy đặn và hài hòa.
Cùng với thời gian và văn hóa vùng miền, mâm ngũ quả cũng có những biến tấu linh hoạt để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, nhưng nhìn chung có hai cách sắp xếp chính:
- Bày mâm ngũ quả theo ý nghĩa ngũ hành
Đây là cách bày mâm ngũ quả nguyên thủy nhất, thể hiện sự đầy đủ của các yếu tố hình thành nên trời đất. Mâm ngũ quả truyền thống thường gồm các loại quả có 5 màu sắc ngũ hành. Trong đó, quả màu xanh như chuối xanh, phật thủ là đại diện của hành Mộc, tượng trưng cho gia đình sum vầy, quây quần, đầm ấm hay sự chở che của Đức Phật; táo, hồng, thanh long đỏ đại diện hành Hỏa tượng trưng cho may mắn, phú quý; bưởi, đu đủ vàng đại diện hành Thổ, tượng trưng cho an khang thịnh vượng; quả đào hay dưa lê màu sáng đại diện cho hành Kim, tượng trưng cho sự thăng tiến; nho, măng cụt màu sẫm đại diện cho hành Thủy, mang ý nghĩa về sự suôn sẻ, hanh thông và tài lộc.
- Bày mâm ngũ quả theo sản vật địa phương
Người dân cả ba miền đất nước đều rất coi trọng mâm ngũ quả ngày Tết, nhưng mỗi nơi lại có cách lựa chọn loại quả, sắp xếp riêng phù hợp với sản vật địa phương từng vùng.
+ Mâm ngũ quả miền Bắc
Mâm ngũ quả miền Bắc chú trọng nhiều đến màu sắc ngũ hành.
Thông thường, mâm ngũ quả miền Bắc không thể thiếu các loại quả như chuối xanh, phật thủ, bưởi, đào, quýt, hồng… Người dân rất chú trọng về màu sắc, sắp xếp các loại quả sao cho đủ đầy, trọn vẹn.
Trong đó nải chuối lớn, có thể là 2-3 nải xếp gần nhau tạo thành hình vòng cung, khum vào bên trong, đặt ở dưới cùng, bên trên là các loại quả khác xen kẽ nhau. Chính giữa nải chuối thường là trái bưởi hoặc phật thủ chín vàng. Lựa chọn kích thước quả vừa phải, số lượng tùy ý sao cho đầy đủ 5 màu sắc ngũ hành và mâm quả đầy đặn, cân đối.
+ Mâm ngũ quả miền Nam
Mâm ngũ quả miền Nam chú trọng đến ý nghĩa các loại quả theo tên gọi.
Ở miền Nam, khí hậu thuận lợi, hoa trái quanh năm nên lựa chọn mâm ngũ quả của người dân cũng phong phú hơn. Người dân cũng không chú trọng về màu sắc mà chú trọng hơn về ý nghĩa của từng loại quả.
Cụ thể, người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn "Cầu sung vừa đủ xài", thể hiện ước mong về một năm mới đủ đầy, sung túc. Năm loại quả tương ứng mà người miền Nam bày trên mâm ngũ quả là: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Nếu người miền Bắc thích bày chuối xanh thì người miền Nam lại kỵ loại quả này vì phát âm là “chúi” mang ý nghĩa như "chúi nhủi" là không hay, không may mắn...
Với tính cách phóng khoáng, người miền Nam cũng không câu nệ mâm ngũ quả phải có gì, miễn là thể hiện được ước muốn, mong cầu của gia đình. Chẳng hạn, nhiều gia đình còn bày thêm quả thơm (dứa) màu vàng hay cặp dưa hấu... Các loại quả được sắp xếp đơn giản trên mâm, không quá cầu kỳ về hình thức.
+ Mâm ngũ quả miền Trung
Mâm ngũ quả miền Trung có sự giao thoa giữa hai miền Nam - Bắc.
Không hoàn toàn giống miền Bắc hay miền Nam, mâm ngũ quả miền Trung là sự giao thoa của cả hai miền. Người dân miền Trung thường dùng: chuối, bưởi, xoài, dưa hấu, cam, táo, nho, sung, dứa, mãng cầu... Cách bày đơn giản theo hình thức quả to, nặng đặt ở dưới làm điểm tựa vững chắc, bên trên là những quả nhỏ hơn hoặc xen kẽ vào chỗ trống.
Những năm gần đây, khi sự giao thoa giữa các vùng miền ngày càng mạnh mẽ, mâm ngũ quả ngày Tết cũng được biến tấu rất linh hoạt bên cạnh những loại quả truyền thống. Nhiều gia đình bày thêm các loại trái cây nhập ngoại, gắn thêm hoa tươi hay các món quà Tết màu sắc đẹp, bắt mắt…
Dù bày theo cách nào thì mâm ngũ quả vẫn mang ý nghĩa phong thủy về sự hòa hợp của thiên nhiên, vạn vật, và thể hiện lòng thành kính của người Việt với tổ tiên, ông bà.
- Không mua hoặc hái trái cây quá sớm
Mâm ngũ quả thường trưng trên bàn thờ trước đêm 30 Tết và giữ từ 3-5 ngày, do đó không nên mua hoặc hái trái quá sớm sẽ bị hỏng khi chưa hết Tết.
Không nên bày mâm ngũ quả quá sớm vì dễ bị hỏng khi chưa hết Tết.
Trong buổi nói chuyện tại Không gian văn hóa Hà Nội, nhà nghiên cứu tâm linh Nguyễn Xuân Cường (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam) tư vấn, nên bày mâm ngũ quả vào khoảng 28, 29 tháng Chạp. Các gia đình cần lau dọn bàn thờ gia tiên sạch sẽ trước khi bày biện mâm ngũ quả và trang trí bàn thờ.
- Không nên rửa trái cây với nước
Sau khi rửa trái cây, nước còn đọng lại trên trái sẽ khiến trái sớm bị thối hoặc héo. Do đó, chỉ nên dùng khăn ẩm lau sạch hoa quả, hoặc có thể rửa qua dưới vòi nước rồi dùng khăn thấm khô trước khi bày lên mâm.
Riêng với bưởi hoặc cam, nếu ngoài vỏ xuất hiện vết ố vàng hay mốc xanh, gia chủ có thể dùng nước vôi sạch, thấm vào khăn lau đều cả quả để vỏ bóng đẹp và không bị héo.
- Không nên chọn quả đã chín đẹp
Không nên chọn những loại quả đã chín đẹp, vì sau khi đặt lên bàn thờ 1-2 ngày có thể sẽ xuống mã, lá héo, nhũn vỏ, không đẹp như lúc đầu. Nên lựa những quả già nhưng chưa quá chín, sau một vài ngày quả sẽ chín và lên màu đẹp. Những loại quả thông dụng như xoài, mãng cầu, đu đủ, hồng… khi chín dễ bị mềm, thối, do đó chỉ nên chọn quả già. Riêng chuối phải lựa chuối xanh, có đủ độ cứng cáp để đỡ các loại quả khác và đáp ứng tiêu chí ngũ hành.
- Chỉ nên bày hoa quả trên mâm ngũ quả
Ngày nay, nhiều gia đình thường bày thêm rượu bia, nước ngọt trên mâm ngũ quả, điều này là không nên vì làm mất ý nghĩa giản dị của mâm ngũ quả. Những món quà Tết này có thể đặt bên cạnh cho đẹp, không nên bày cùng mâm.
Mỗi một loại trái cây có hình dáng, màu sắc khác nhau nên cũng mang ý nghĩa tượng trưng khác nhau. Dưới đây là tên và ý nghĩa một số loại trái cây phổ biến dùng bày mâm ngũ quả ngày Tết:
Tên quả |
Ý nghĩa |
Bưởi, dưa hấu |
Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn. |
Đào |
Thể hiện sự thăng tiến |
Đu đủ |
Mang đến sự thịnh vượng đủ đầy |
Hồng, quýt |
Tượng trưng cho sự thành đạt. |
Lê (hay mật phụ) |
Vị ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ. |
Lựu |
Nhiều hạt tượng trưng cho con đàn cháu đống. |
Na (hay còn gọi là mãng cầu) |
Ứng với chữ "cầu" thể hiện ước mong. |
Nải chuối xanh như bàn tay ngửa |
Hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che. |
Mâm ngũ quả có thể đủ 5 loại quả thể hiện ngũ hành hoặc chỉ cần thể hiện ý nguyện của gia chủ, từng loại quả không có giới hạn số lượng cụ thể. Số chẵn và lẻ trên mâm ngũ quả cũng chỉ tính loại chứ không tính số lượng quả.
Trong khi rất nhiều phong tục ngày Tết đang dần mai một, tục bày biện mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên vẫn còn rất phổ biến, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, nên được gìn giữ để bảo tồn bản sắc dân tộc.
Với bài viết trên đây, mong rằng độc giả của Batdongsan.com.vn có thêm thông tin hữu ích về cách bày mâm ngũ quả ngày Tết, một phong tục và nét văn hóa đẹp của người Việt Nam!
Hải Âu (TH)
(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)