Sau đây là chia sẻ của anh Huy về việc mua đất thóp hậu:
Vợ chồng tôi mua ngôi nhà đầu tiên vào năm 2012. Vì ít tiền nên lúc bấy giờ chúng tôi chỉ mua nhà khá nhỏ, rộng chưa tới 30m2, nhà xây 2 tầng, tọa lạc trong hẻm dân lao động ở phường Tân Thuận Đông (quận 7, Tp.HCM), gần nơi làm việc của hai vợ chồng. Con ngõ dẫn lối vào nhà tôi vừa nhỏ hẹp, vừa ngoằn ngoèo và hàng xóm bày đủ thứ ra đường từ dây phơi quần áo, xe máy tới thực thẩm, thậm chí mở cả quán cafe cóc. Nơi đây còn có người nát rượu. Thế nên, chúng tôi đã bán nhà với giá 900 triệu đồng sau chưa đầy 6 tháng dọn vào ở.
Được bố mẹ hai bên cho vay 500 triệu đồng không lấy lãi, vợ chồng tôi vay thêm 400 triệu nữa từ ngân hàng để mua ngôi nhà 2 tầng diện tích 60m2 trong hẻm xe hơi vào được. Căn nhà này cũng gần với ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đã bán. Tuy nhà hơi cũ, xây đã 10 năm nhưng tôi vẫn rất thích bởi đất nở hậu. Trước khi dọn về ở, chúng tôi chỉ sơn sửa qua. Tuy nhiên, sau đó con hẻm trước cửa nhà được nâng cốt đường nên vào mùa mưa nhà tôi bị ngập nặng. Tôi dự tính đầu tư thêm khoảng hơn 100 triệu đồng để nâng nền. Thế nhưng, chúng tôi đành ở cố vì không muốn vay thêm tiền nữa. Vợ tôi sinh con đầu lòng khi về ngôi nhà này sinh sống. Song, do con nhỏ hay đau ốm nên vợ tôi chủ yếu sống ở nhà ngoại (Phú Xuân, Nhà Bè). Hơn nữa, thu nhập của cô ấy cũng không nhiều nên một mình tôi xoay xở trả nợ rất mệt.
Do thiếu tiền, con lại đau ốm thường xuyên, nhờ cửa nhếch nhác, vợ chồng tôi sinh cãi cọ, xích mích. Về sau, chúng tôi tiếp tục bán ngôi nhà thứ hai ở trung tâm, mua đất ngoại thành gần nhà bố mẹ vợ xây nhà để có tiền dư, trả hết nợ ngân hàng. Dù phải đi làm xa nhưng vợ chồng tôi lại nhờ được ông bà trông cháu dễ hơn. Lúc này, tôi quyết định tự mình mua đất xây nhà cho vừa ý chứ không mua nhà xây sẵn nữa.
Việc tìm mua đất trong khu dân cư lâu năm là điều không hề đơn giản. Khu vực này không còn nhiều miếng đất vuông vức. Ngân sách mà chúng tôi dự kiến mua đất, xây nhà chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng. Cuối cùng, tôi tìm được thửa đất cách nhà bố mẹ vợ khoảng 500m, rộng 4,5x18m, trị giá 700 triệu đồng. Tuy vậy, điều mà tôi băn khoăn nhất là mặt tiền 4,5m nhưng phía sau chỉ rộng 4,1m, tức đất thóp hậu. Trong khi đó, người thân, bạn bè vẫn truyền tai nhau rằng, đất nở hậu mới làm ăn thuận lợi và có hậu vận tốt. Đất thóp hậu chỉ mang tới cho gia chủ xui xẻo. Chủ đất cho hay, vì mảnh đất hơi xéo nên mới có giá mềm, thửa đất vuông vức gần đó có giá cao hơn 1 triệu đồng/m2. Để bớt được chút tiền, tôi quyết định mua mảnh đất thóp hậu.
Đối với anh Bùi Đức Huy, đất thóp hậu hay nở hậu không vấn đề gì, quan trọng là cả gia đình được sống vui vẻ, thoải mái trong ngôi nhà được thiết kế theo ý mình. (Ảnh: CM) |
Sau khi mua đất, tôi dự tính sẽ xây một phòng phía ngoài cho thuê kinh làm cửa hàng gạo, bán thuốc hoặc uốn tóc bởi hẻm vào nhà rộng 6m và hàng quán cũng khá sầm uất. Trong khi đó, nhà để ở sẽ xây lùi về phía sau cho yên tĩnh.
Tôi bán ngôi nhà cũ với giá 2,1 tỷ đồng, mua đất và xây nhà hết tầm 1,5 tỷ đồng, trả hết nợ ngân hàng và dư một phần trả bố mẹ. Nay tôi cho thuê phòng mặt tiền với giá 3-4 triệu đồng/tháng nên cuộc sống của gia đình trở nên thoải mái hơn. Điều quan trọng là, khi được sống trong ngôi nhà xây theo ý mình, vợ chồng tôi đều cảm thấy chất lượng cuộc sống tốt hơn hẳn so với trước đây.
Chúng tôi sống trong ngôi nhà mới rất thoải mái trong gần 4 năm qua. Vợ chồng tôi có thêm thành viên mới khỏe mạnh chứ không hay đau ốm như đứa đầu. Theo tôi, nơi ở không quan trọng là đất thóp hậu hay nở hậu mà phải có vị trí tốt, phù hợp với khả năng tài chính thì cuộc sống sẽ thoải mái, vui vẻ hơn.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền chia sẻ, ông từng gặp rất nhiều trường hợp mảnh đất thóp đầu nở hậu hoặc ngược lại "đầu voi đuôi chuột" trong gần 2 thập kỷ hành nghề. Ngoại trừ đất quy hoạch mới, phần lớn đất trong khu dân cư lâu năm thường rất đa dạng về hình dáng.
Điều thú vị là, khách hàng của ông Truyền có nhiều quan niệm khác nhau về đất. Một số khách không suy nghĩ gì, với họ đất nở hậu hay thắt đuôi chuột đều ở được. Trong khi đó, số khác lại chỉ thích đất nở hậu. Họ cho rằng, đất càng nở hậu thì càng làm ăn tốt. Thậm chí, một số người (thường là người gốc Hoa) lại chỉ thích đất thóp hậu. Theo quan niệm của họ, đất thóp hậu giống như con tỳ hưu có miệng, không có hậu môn, chỉ ăn vào mà không thải ra ngoài, tượng trưng cho tiền của chỉ có đi vào, không đi ra.
Đối với việc xây nhà, theo ông Truyền, kiến trúc sư thường có cảm hứng rất tốt đối với những mảnh đất thiếu vuông vức, đất xéo. Với sự đa dạng của hình khối khu đất, họ thiết kế không gian sống linh hoạt, độc đáo hơn. Trong đó, không gian chức năng sinh hoạt, không gian sử dụng chính phải là hình chữ nhật hoặc hình vuông với tỷ lệ vàng. Còn những phần không vuông vức, phần xéo sẽ được sử dụng để bố trí giếng trời, cầu thang bộ, khoảng không bên ngoài, cây xanh... Như vậy, những mảnh đất không vuông vức lại vô tình tạo ra không gian kiến trúc đa dạng, ấn tượng và rất linh hoạt.