Tin tức

Áp lực nào với cổ phiếu ngân hàng?

14/03/2022

Áp lực nào với cổ phiếu ngân hàng?

 
Áp lực nào với cổ phiếu ngân hàng?

Cổ phiếu CTG của VietinBank đã giảm 13% tính từ phiên giao dịch ngày 11-2 đến đầu tuần này.


   Ngoài câu chuyện quan hệ thanh toán, chuyển tiền với các ngân hàng Nga bị ảnh hưởng xấu, các ngân hàng trong nước cũng đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng lợi nhuận có thể bị thu hẹp trong thời gian tới, trước thách thức nợ xấu gia tăng làm tăng chi phí trích lập dự phòng, biên độ lãi thu hẹp cho đến nguồn thu nhập ngoài lãi có thể bị ảnh hưởng.
 

   Cổ phiếu ngân hàng – nạn nhân của xung đột quân sự

   Chỉ riêng trong phiên giao dịch thứ Tư tuần trước (2-3-2022), giá trị giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng đạt hơn 8.700 tỉ đồng, gấp 2 lần phiên 1-3 và là phiên có thanh khoản cao nhất kể từ sau Tết đến nay. Đi kèm với thanh khoản tăng mạnh là sự lao dốc của giá cổ phiếu cùng với động thái bán ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài ở nhóm cổ phiếu vua này.

   Diễn biến bán tháo của nhiều cổ phiếu ngân hàng quốc tế tại thị trường Mỹ và châu Âu vào tối ngày 1-3 được xem là tín hiệu cảnh báo trước cho sự lao dốc của cổ phiếu ngân hàng Việt trong ngày 2-3. Có thể kể đến như cổ phiếu Wells Fargo&Co bốc hơi gần 5,8%, Bank of America giảm hơn 3,9%, JPMorgan sụt gần 3,8%, Goldman Sachs rớt 3,4%…, tiếp nối đà đi xuống kể từ ngày 10-2 đến nay.
 
   Cá biệt, cổ phiếu ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank trên sàn London trong phiên 2-3 có lúc giảm 95% giá trị, sau khi thông báo rút khỏi thị trường châu Âu. Đây được xem là hệ quả tất yếu sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 27-2 quyết định chọn giải pháp loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cũng như ra lệnh trừng phạt nhắm vào ngân hàng trung ương Nga để ngăn cơ quan này sử dụng dự trữ ngoại hối của mình.

   Đối với Việt Nam, việc Nga bị ngắt khỏi hệ thống SWIFT có thể khiến các giao dịch thanh toán, chuyển tiền quốc tế từ Việt Nam sang Nga bị ảnh hưởng, khi đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác nên hiện được hầu hết các ngân hàng trong nước sử dụng. Theo đó, nguồn thu dịch vụ thanh toán quốc tế của các ngân hàng này sẽ bị tác động tiêu cực là khó tránh khỏi trong thời gian tới.

   Tính từ phiên giao dịch ngày 11-2 đến đầu tuần này, tức chỉ sau ba tuần, chỉ số giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm đến 7,5%, trở thành một trong những ngành có diễn biến kém nhất và tác động tiêu cực lên thị trường chung.

   Dù quyết định ngắt Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT ban đầu mới chỉ áp đặt đối với bảy ngân hàng của Nga và chưa tác động nhiều lên hoạt động của các ngân hàng Việt Nam, nhưng phản ánh từ một số doanh nghiệp cho biết nhiều ngân hàng Việt sợ bị rơi vào “danh sách đen” của các nước do vi phạm chính sách cấm vận, nên trả lại tất cả chứng từ, dù đơn hàng đó xuất sang EU.

   Còn theo giới chuyên gia, nếu tình hình tiếp tục leo thang, có thể xảy ra tình huống toàn bộ các ngân hàng của Nga bị ngắt khỏi hệ thống SWIFT và như thế sẽ tác động thực sự đến hoạt động ngân hàng của Việt Nam. Thực tế là ngày 1-3 Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự thảo nghị quyết đề nghị EU loại tất cả ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính châu Âu cũng như hệ thống SWIFT.

   Trong khi đó, các ngân hàng quốc tế phương Tây còn phải đối mặt rủi ro nợ xấu hay mất vốn khi có mối quan hệ làm ăn với nước Nga, từ các hoạt động đầu tư cho đến tài trợ vốn cho các doanh nghiệp Nga cũng như giới tỉ phú của nước này.

   
Thách thức phía trước

   Tính từ phiên giao dịch ngày 11-2 đến đầu tuần này, tức chỉ sau ba tuần, chỉ số giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm đến 7,5%, trở thành một trong những ngành có diễn biến kém nhất và tác động tiêu cực lên thị trường chung. Ngoại trừ VPBank, hầu hết cổ phiếu các ngân hàng khác đều không tránh khỏi xu hướng điều chỉnh lần này. Có thể kể đến cổ phiếu CTG của VietinBank giảm gần 13%, BID của BIDV giảm hơn 12%, VCB của Vietcombank giảm gần 7%, cổ phiếu của MBBank giảm hơn 10%, Techcombank giảm 8%, ACB giảm 7%…

   Ngoài câu chuyện quan hệ thanh toán, chuyển tiền với các ngân hàng Nga bị ảnh hưởng xấu, các ngân hàng trong nước cũng đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng lợi nhuận có thể bị thu hẹp trong thời gian tới, trước thách thức nợ xấu gia tăng làm tăng chi phí trích lập dự phòng, biên độ lãi thu hẹp cho đến nguồn thu nhập ngoài lãi có thể bị ảnh hưởng.

   Thống kê cho thấy lợi nhuận của 27 ngân hàng niêm yết đạt 146.000 tỉ đồng trong năm 2021, tăng 33% so với năm 2020, chủ yếu nhờ tăng ở nguồn thu nhập lãi vay và phí dịch vụ. Bước sang năm 2022, một số ngân hàng tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, nhưng với tình hình hiện nay thì ngành này có thể sẽ đối mặt với không ít khó khăn trong việc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như những năm qua.

   Cần lưu ý mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thị trường dân cư lẫn thị trường liên ngân hàng từ đầu năm đến nay đã có những bước tăng trở lại đáng chú ý, bất chấp xu hướng dòng tiền gửi thường có xu hướng quay lại hệ thống ngân hàng sau Tết giúp thanh khoản của hệ thống dồi dào hơn. Có vẻ như kênh tiền gửi ngân hàng đã đến hạn, không còn đủ sức hấp dẫn khách hàng trong bối cảnh lãi suất quá thấp so với các kênh đầu tư khác đang làm mưa làm gió.

   Đặc biệt, xung đột Nga – Ukraine những ngày qua đã đẩy giá cả nhiều loại hàng hóa tăng vọt trên thị trường quốc tế, nguy cơ Việt Nam phải nhập khẩu lạm phát và gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước đang ngày càng hiện rõ hơn. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số CPI tháng 2 đã tăng mạnh 1% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong vòng một năm qua, do ảnh hưởng chủ yếu của giá năng lượng và lương thực, thực phẩm.

   Lạm phát tăng cao sẽ khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi buộc phải đi lên để giữ chân khách hàng. Và cần biết rằng hoạt động ngân hàng có thể gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất gia tăng trở lại trong nền kinh tế.

   Thứ nhất là sẽ làm tăng chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng, trong khi lãi suất cho vay đầu ra luôn chịu áp lực phải giảm thêm hoặc ít nhất là giữ ổn định để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, khiến biên độ lãi của các ngân hàng đứng trước thách thức bị thu hẹp.

   Thứ hai là lãi suất tăng cao cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu, mà bài học giai đoạn 2010-2015 vẫn còn hiển hiện, khi doanh nghiệp không gánh nổi chi phí tài chính tăng cao, nhất là trong bối cảnh hai năm vừa qua đã bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ngoài ra, rủi ro nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu cũng gây áp lực lên các ngân hàng khi chính sách tái cơ cấu nợ sẽ đến hạn vào ngày 30-6 tới.

   Cuối cùng, lạm phát nếu tăng vọt ngoài tầm kiểm soát cũng có thể khiến nhà điều hành phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, theo đó không chỉ tăng lãi suất mà còn kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và lượng cung tiền ra nền kinh tế, những yếu tố ảnh hưởng không tốt lên hoạt động của các ngân hàng. Trong một diễn biến khác, tăng trưởng tín dụng so với đầu năm sau khi đạt mức 2,74% vào cuối tháng 1, thì đến cuối tháng 2 chỉ còn tăng 2,52%, đồng nghĩa với riêng tháng 2 đã sụt giảm trở lại 0,22%.

 
Triều Dương
(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)
Bài viết khác
Hướng tới ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực Bất động sản.
Trên thế giới, Blockchain được quan tâm bởi khả năng cho phép chuyển quyền sở hữu tài sản gần như ngay lập tức theo một cách an toàn và người ta tin rằng khối chuỗi sẽ tạo ra một cuộc cách mạng hóa...
14/07/2022
Giá bất động sản liền thổ tăng mạnh
 Giá bán dự án nhà phố, biệt thự quý II thiết lập mặt bằng mới, tăng 10-25% so với đầu năm.
14/07/2022
Những xu hướng chính trên thị trường bất động sản thương mại
Nhờ sự trở lại của các hoạt động kinh tế, nhiều xu hướng mới đang liên tục hình thành và mang đến tương lai hứa hẹn hơn cho bất động sản thương mại sau đại dịch.
11/07/2022
Hỗ trợ trực tuyến