Đâu là sức hút bất động sản trong năm 2022?
Huyện Long Thành đang được chú ý trong giới đầu tư bất động sản bởi "siêu dự án" Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang dần hoàn thiện.
Trong năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường Bất động sản vẫn “lên ngôi” bởi các chính sách hỗ trợ giải ngân đầu tư công của Chính phủ được đẩy nhanh, cùng với đó dòng tiền giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, giúp tài sản gia tăng giá trị. Theo sau các gói kích thích kinh tế hồi phục góp phần tăng tiêu dùng, cải thiện sức mua, thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà đất để ở lẫn đầu tư.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho hay, gói 350.000 tỷ đồng là tin tốt cho thị trường bất động sản trong bối cảnh khá trầm lắng kéo dài do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, thông tin này chỉ tốt với một số vùng thực sự hưởng lợi từ hạ tầng và giá trước đó tăng chưa đủ mức, còn những vùng giá đất đã tăng cao thì không còn nhiều tác dụng.
Theo các chuyên gia, trong năm 2022, thị trường bất động sản đón nhiều cú hích từ giải ngân đầu tư công và các gói kích thích kinh tế được bơm vào thị trường. Tâm lý lo ngại tiền rẻ có thể khiến cho bất động sản tiếp tục là kênh thu hút dòng tiền của nhóm nhà đầu tư trường vốn (vốn dài hạn). Cơ hội tăng trưởng của thị trường bất động sản nhà ở và tài sản gắn liền với đất trong năm 2022 sẽ cao hơn so với năm 2021.
Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam trước đó cũng cho rằng, thị trường BĐS năm 2022 được đánh giá là lạc quan, hấp dẫn, có những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với năm 2020 và 2021. Cụ thể, năm 2022, chính sách về đầu tư công, tăng cường giải ngân cho các dự án hạ tầng giao thông là động lực thúc đẩy mạnh mẽ thị trường BĐS phát triển. Hoạt động xuất nhập khẩu và FDI trong năm 2021 tuy có giảm nhưng vẫn tích cực, kéo theo BĐS công nghiệp và logistic từ đó gián tiếp dẫn đến BĐS nhà ở phát triển theo.
Dự án Khu tái định cư Bình Sơn - Lộc An cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho phục vụ giải phóng mặt bằng để xây dựng sân bay Long Thành.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán dù có nhiều biến động nhưng vẫn rất tiềm năng phát triển. Đây là thị trường có sự liên đới trực tiếp đến thị trường BĐS. Như cách nói của nhiều người "chứng khoán còn xanh thì BĐS còn tươi". Cơ chế chính sách trong việc cải thiện về quy trình thủ tục pháp lý, giải quyết tháo gỡ các vướng mắc khó khăn với dự án BĐS cũng đang được thúc đẩy, kì vọng sẽ tích cực trong năm 2022, tác động đến sự phát triển của thị trường BĐS.
Tiếp đến, Bộ xây dựng đang tăng cường chương trình Nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và hướng đến 2030 trong đó tập trung nhà ở công nhân lao động và Nhà ở xã hộii và Nhà ở vừa túi tiền. Đây cũng là động lực để thị trường BĐS phát triển.
Ngoài ra, trong bối cảnh tâm lý chống dịch đã bắt đầu ổn định và thích ứng, nhiều cơ hội cho các thị trường du lịch trong và ngoài nước mở rộng. Đó cũng là điểm tích cực.
Một yếu tố nữa đó là lãi suất cho vay đang ở mức hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư có thể sử dụng đòn bẩy tài chính tham gia thị trường, từ đó giúp cho hoạt động đầu tư BĐS kì vọng khởi sắc.
"Có một điều không thể phủ nhận là từ trước đến nay, BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, là tài sản tích luỹ ăn sâu vào tâm lý của người Việt. Họ làm gì cuối cùng cũng đi mua BĐS làm tài sản để dành. Chính quan điểm này là nền tảng tốt để thị trường BĐS còn cơ hội phát triển lâu dài ", ông Lâm khẳng định.
Huyện Long Thành với nhiều khu công nghiệp diện tích lớn, nhu cầu về nhà ở cho chuyên gia và người lao động lớn
Các chuyên gia đánh giá: Dự kiến thị trường đất nền vẫn sôi nổi đặc biệt là các dự án hưởng lợi từ hạ tầng và các khu vực sẽ là điểm sáng sôi động trong năm 2022 như quanh khu vực Cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam tại Long Thành, quanh trục cao tốc Dầu Giây – Bảo Lộc; Cao tốc Bắc Nam…
Sức hút bất động sản phía năm trong năm 2022 không phải tại TP HCM mà là các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An vẫn sẽ được nhà đầu tư săn đón. Khu vực được đánh giá cao trong thu hút phát triển bất động sản trong năm tới là huyện Long Thành.
Với vị trí ở khu vực phía Nam của tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành được đánh giá là địa bàn sở hữu vị trí đắc địa, có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ nằm gần 2 đô thị lớn là TP.HCM và TP.Biên Hòa, huyện Long Thành còn có vị trí tiếp giáp với cảng biển Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Hệ thống giao thông qua xuyên suốt như quốc lộ 51, Cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Dầu Giây – Đà Lạt, cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu… đem lại giao thông thuận tiện vào trung tâm.
Long Thành đang trở thành huyện thu hút nhà đầu tư lớn khi có hàng loạt các khu công nghiệp lớn như khu công nghiệp An Phước (có diện tích hơn 200 ha), KCN Lộc An – Bình Sơn (gần 500ha), KCN Gò Dầu có diện tích hơn 210 ha, KCN Long Đức (hơn 270ha) , KCN Công nghệ cao Amata Long Thành (hơn 410 ha), KCN Phước Bình , KCN Long Thành (gần 490 hecta)…
Cùng với đó, lợi thế phát triển của Long Thành còn được “bồi đắp” khi đây cũng là địa phương “sở hữu” dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước đang được triển khai xây dựng.
Song song với sự phát triển của sân bay Long Thành đang được quan tâm, dần hoàn thiện thì việc tỉnh Đồng Nai đang lập quy hoạch xây dựng phát triển đô thị Long Thành đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại II và hình thành thị xã Long Thành và hướng đến lên thành phố Long Thành hiện đại, thông minh. Hiện UBND tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét ủy quyền và giao cho UBND tỉnh tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung đô thị Long Thành giai đoạn 2020-2035, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới khu đô thị phát triển, trung tâm kinh tế của tỉnh Đồng Nai sau này.
Theo Chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp thông tin, năm 2021, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của H.Long Thành đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là các chỉ tiêu nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đều đạt và vượt nghị quyết được giao.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng ước đạt gần 133 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt gần 24 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt hơn 2,7 ngàn tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước vượt so với dự toán được giao. Dự ước đến ngày 31-12-2021 đạt hơn 6,4 ngàn tỷ đồng, đạt 328% dự toán được giao.
T.T
(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)