Tin tức

Doanh nghiệp địa ốc vừa mừng vừa lo sau ngày mở cửa

15/10/2021

Doanh nghiệp địa ốc vừa mừng vừa lo sau ngày mở cửa

 

Sau hơn một tuần TP.HCM và các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại, sự hồ hởi của thị trường địa ốc đang dần hiện rõ. Tuy nhiên, do việc mở cửa chưa liên thông hoàn toàn giữa các địa phương, bức tranh thực sự của thị trường vẫn là ẩn số.

 

Doanh nghiệp địa ốc vừa mừng vừa lo sau ngày mở cửa

Nhu cầu mua bất động sản kỳ vọng bùng nổ sau thời gian giãn cách.


   Đan xen nỗi niềm
 

   Từ đầu tuần qua, đa số các doanh nghiệp địa ốc tại phía Nam đã rục rịch trở lại sau hơn 4 tháng phải “nằm im” vì các lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
 

   Ông Dương Minh Tiến không giấu được sự vui mừng, nhưng đồng thời cũng tỏ ra băn khoăn khi ban đầu, việc mở cửa mới chỉ dừng lại ở việc đi lại trong TP.HCM và đang bàn việc liên thông TP.HCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai.
 

   “Tôi chỉ trông mong đến ngày các tỉnh, thành phố phía Nam cho đi lại tự do là sẽ chạy ngay lên Lâm Đồng, qua Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để triển khai công việc, vì phần lớn việc đầu tư kinh doanh đang ở các địa phương này”, ông Tiến bộc bạch.
 

   Trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, doanh nghiệp của ông Tiến đang triển khai một dự án nhà phố tại Bình Dương và đã chuẩn bị sẵn quỹ đất để triển khai dự án tại tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, dịch bệnh ập đến khiến kế hoạch đều bị đình lại.
 

   Tương tự, ông Hoàng Kim Hoài chia sẻ, dù doanh nghiệp mở cửa trở lại nhưng vẫn chưa thể bắt tay vào việc kinh doanh.
 

   Phúc Điền Land đang đầu tư một dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các thủ tục triển khai dự án cơ bản đã hoàn thành. Hiện doanh nghiệp đang mong đợi việc đi lại được thông suốt để xuống dự án bay flycam làm phối cảnh. Ông Hoài lo lắng, mỗi ngày trôi qua là chi phí của doanh nghiệp bị đội lên và cơ hội kinh doanh bị lỡ nhịp.
 

   Không chỉ với các doanh nghiệp kể trên, theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, phần lớn các doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM đang hoạt động “đánh bắt xa bờ”.
 

   Chẳng hạn, Novaland đang triển khai đại dự án Aqua City ở Đồng Nai, Novaworld Hồ Tràm ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Novaworld Phan Thiết ở Phan Thiết, hay một loạt dự án ở Lâm Đồng. Hưng Thịnh đang triển khai các đại dự án như MeryLand có quy mô 623 ha tại Quy Nhơn, Bình Định; dự án New Galaxy tại Nha Trang. Còn Tập đoàn Danh Khôi đang triển khai hàng loạt dự án tại Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Bình Thuận…
 

   Tương tự, các doanh nghiệp khác như Đất Xanh, Hưng Lộc Phát, Namgoup… đều đang triển khai nhiều dự án lớn tại Đồng Nai và Bình Thuận.
 

   Chia sẻ với người viết, đại diện hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, mặc dù việc chưa khơi thông đi lại giữa các địa phương đang ảnh hưởng đến việc trở lại hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng với tình hình kiểm soát dịch bệnh đang có tín hiệu khả quan, hy vọng việc mở cửa hoàn toàn sẽ sớm được thực hiện.
 

   Kỳ vọng thị trường bùng nổ trở lại
 

   Với các yếu tố tích cực về tâm lý nhà đầu tư và các kế hoạch bung hàng của các doanh nghiệp địa ốc sau một thời gian dài bị “nén chặt”, khả năng thị trường bất động sản sẽ sớm bước vào một chu kỳ phát triển mới.
 

   Theo đại diện các doanh nghiệp, hiện tại vẫn còn sớm để đưa ra nhận định chính xác về xu hướng thị trường bất động sản phía Nam sắp tới, do thực tế giao dịch chưa được thực hiện. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là tình trạng bán tháo do người dân gặp khó khăn kinh tế sau thời gian dài “đóng cửa nằm nhà” đã không diễn ra.
 

   Ngược lại, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản còn rất lớn và giá vẫn không ngừng tăng cao. Đây chính là một trong những yếu tố tích cực cho thấy, thị trường bất động sản đã có nền tảng khá tốt để tiếp tục phát triển thời gian tới.
 

   Một cơ sở nữa để đặt niềm tin vào triển vọng hồi phục của thị trường là nhìn lại ba đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đó, cứ sau khi dịch bệnh thoái trào, thị trường bất động sản lại phục hồi mạnh về cả giao dịch lẫn giá cả.
 

   “Đợt dịch thứ 4 này quá khốc liệt, song thực tế hầu như không diễn ra tình trạng giảm giá, bán tháo, cho thấy sức đề kháng của thị trường địa ốc khá tốt và khả năng sẽ còn bùng ra mạnh hơn.
 

   Ghi nhận của hầu hết các đơn vị nghiên cứu thị trường đều cho thấy, dù thanh khoản thị trường bị sụt giảm do giãn cách xã hội, nhưng hầu hết các phân khúc thị trường đều có mức giá tăng cao từ 10 - 20% so với thời điểm trước đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ 4.
 

   Đơn cử như tại TP.HCM, nhiều dự án căn hộ có mức giá trung bình dao động từ 42 - 45 triệu đồng/m2, thì sau đợt mở cửa lần này, giá đã được giao dịch quanh mức 50 - 55 triệu đồng/m2.
 

   Tương tự, với phân khúc nhà liền thổ, lợi thế có thể trở thành một tài sản tích trữ có tiềm năng tăng giá cao khiến các sản phẩm thuộc loại này tại TP.HCM và khu vực phụ cận gần như ra hàng đến đâu hết đến đó.
 

   Theo báo cáo của Savills Việt Nam về diễn biến thị trường nhà liền thổ tại TP.HCM cho biết, giá nhà liền thổ tăng trung bình 13 - 20% so với cùng kỳ.
 

   Tại thị trường các tỉnh, các dự án triển khai bán hàng online trong thời gian gần đây ghi nhận kết quả khá lạc quan.
 

   Đơn cử như tại dự án Takashi tại Quy Nhơn do Tập đoàn Danh Khôi làm chủ đầu tư, công bố trong tháng 9/2021 đến nay đã có hơn 600 sản phẩm được khách hàng đăng ký mua.
 

   Hay mới đây, Công ty Golf Long Thành bán 936 sản phẩm tại phân khu Para Sol thuộc dự án KN Paradise tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Theo nguồn tin từ các đơn vị môi giới, chỉ sau vài tuần công bố dự án, phần lớn sản phẩm đã được khách hàng đặt mua.
 

   Dưới góc nhìn của ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Phúc Điền Land, dù dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng lớn đến tâm lý tiêu dùng, đến công ăn việc làm, thu nhập của người dân, nhưng nhu cầu đầu tư, nhu cầu nhà ở trên thực tế không những không giảm, mà còn tăng lên.
 

   Xét ở các yếu tố khách quan, theo ông Hoài, ngoài nhu cầu ở thực không ngừng tăng cao, yếu tố tác động mạnh đến thị trường bất động sản thời gian tới là nhiều tỉnh, thành phố phía Nam có tốc độ đô thị hóa rất nhanh.
 

   Sự phát triển của hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng diễn ra mạnh mẽ đã thúc đẩy làn sóng đầu tư liên vùng.
 

   Hàng loạt tuyến đường cao tốc, sân bay, các tuyến đường kết nối liên vùng… được đầu tư xây dựng không chỉ giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách về không gian, thời gian giữa các vùng miền, mà còn đánh thức tiềm năng của một vùng đất, khởi tạo làn sóng đầu tư mới vào các địa phương, trong đó có thị trường bất động sản.
 

   Theo Savills Việt Nam, với lợi thế về dân số trẻ, tốc độ đô thị hoá nhanh, tăng trưởng thu nhập, ổn định chính trị và sự phát triển cơ cấu của các loại tài sản, Việt Nam đang hưởng lợi từ chu kỳ đầu tư “hậu Covid”.
 

   Các dự báo gần đây cho thấy, các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, y tế sẽ tiếp tục phát triển ở thời kỳ “hậu khủng khoảng”.
 

   Đặc biệt, dự báo của các chuyên gia cho thấy, sau thời gian dài tích lũy, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là một trong những lĩnh vực tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi kinh tế du lịch. Các đô thị nghỉ dưỡng có quy hoạch đồng bộ, sản phẩm đa dạng và chất lượng ở các thị trường mới nổi, các địa phương lân cận các trung tâm kinh tế lớn được kỳ vọng sẽ nhận được sự quan tâm của người dân.
 

Tăng Triển – Trọng Tín
(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)
Bài viết khác
Hướng tới ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực Bất động sản.
Trên thế giới, Blockchain được quan tâm bởi khả năng cho phép chuyển quyền sở hữu tài sản gần như ngay lập tức theo một cách an toàn và người ta tin rằng khối chuỗi sẽ tạo ra một cuộc cách mạng hóa...
14/07/2022
Giá bất động sản liền thổ tăng mạnh
 Giá bán dự án nhà phố, biệt thự quý II thiết lập mặt bằng mới, tăng 10-25% so với đầu năm.
14/07/2022
Những xu hướng chính trên thị trường bất động sản thương mại
Nhờ sự trở lại của các hoạt động kinh tế, nhiều xu hướng mới đang liên tục hình thành và mang đến tương lai hứa hẹn hơn cho bất động sản thương mại sau đại dịch.
11/07/2022
Hỗ trợ trực tuyến