Trong khi cơ quan chức năng loay hoay kiến nghị, đề xuất, hàng chục năm qua, người dân khốn khổ với các dự án “treo”.
Vay nợ, bán nhà
Bà Huế, ở thôn 4, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội, chỉ tay về phía đồng ruộng cho biết, toàn bộ 6 sào ruộng nhà bà đều nằm trong quy hoạch đô thị (KĐT) 12 năm nay. Quy hoạch rồi nên không sử dụng gì được, thỉnh thoảng cấy vụ lúa cho khỏi hoang hóa đất. “Ruộng quanh đây bà con bỏ nhiều vì không dồn điền đổi thửa được, làm không hiệu quả, nhìn xót lắm”, bà Huế nói.
Tình cảnh tương tự, ông Phi (thôn 6) vừa có ruộng, vừa có đất nằm trong quy hoạch KĐT. Ruộng bỏ hoang đã đành, đất ở cũng không thế chấp ngân hàng, không xây dựng được nên cũng chỉ để đấy. “Chúng tôi sinh sống mấy thế hệ ở đây, nay chẳng còn chút quyền lợi nào. Mấy ngày mưa gió, nước thấm dột bong tróc nhà cửa cũng chưa dám sửa, chứ đừng nói là xây mới, chỉ vì vướng quy hoạch dự án”, ông Phi bức xúc.
Khu đất trên thuộc dự án KĐT Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha nằm trên địa bàn các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, huyện Thạch Thất và một phần huyện Quốc Oai. Đây là một trong những dự án KĐT rộng nhất miền Bắc tính đến thời điểm hiện tại. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư, khởi công ngày 1/1/2007. Ngoài dự án KĐT Tiến Xuân, Sudico còn được nhắc đến là chủ sở hữu của nhiều dự án đang trong tình trạng dở dang như: Khu nhà ở Văn La, KĐT Nam An Khánh...
Huyện Mê Linh là huyện đang đứng đầu về số dự án bỏ hoang tại Hà Nội với 47 dự án đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất 2.445 ha và 3 dự án đầu tư phát triển kinh tế khác. Sau khi điều chỉnh quy hoạch phân khu, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt cho 29/47 dự án bất động sản chậm triển khai tại huyện Mê Linh.
Thiếu quyết liệt xử lý?
Theo đại diện UBND thành phố Hà Nội, nguyên nhân dẫn tới việc các dự án bị chậm tiến độ bao gồm cả chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan gồm quy hoạch, đất đai, xây dựng còn thiếu, không đồng nhất, thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô; việc thực hiện quy hoạch chung thủ đô phải tạm dừng các dự án đang triển khai để khớp nối... Một số chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm đầu tư, quản lý dự án; một số dự án đề nghị điều chỉnh quy hoạch dự án, điều chỉnh tổng mặt bằng làm cho kéo dài thời gian triển khai.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, các dự án chậm triển khai có nguyên nhân từ công tác quản lý. Công tác quản lý dù được thực hiện chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án… Hà Nội cần đẩy nhanh quy hoạch phân khu còn lại để kêu gọi các nhà đầu tư, hình thành các mô hình đô thị hiện đại, đồng bộ, có chất lượng cuộc sống cao. Ông Nghiêm đánh giá việc thu hồi các dự án “treo” là không dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng cần có sự cương quyết của chính quyền.
Đối với các dự án đã thành hình, thu tiền của người dân rồi “bỏ trốn”, các chuyên gia cho rằng, theo Luật Đất đai, các chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ về đầu tư, vi phạm về thời gian, tiến độ dự án sau 24 tháng thì cơ quan quản lý nhà nước có quyền thu hồi dự án và cả tài sản trên đất. Để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, cần phải thu hồi dự án và giao cho nhà đầu tư mới thay thế. Lúc này quyền lợi của người mua nhà đã góp tiền vào dự án sẽ đảm bảo bằng các phương thức khác nhau.
Theo TS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, dự án “treo” tồn tại là do vẫn còn lẩn khuất đâu đó cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm... Để xảy ra việc này có trách nhiệm của cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, trách nhiệm quản lý nhà nước là đặc biệt quan trọng.
TRẦN HOÀNG
(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)