Sốt đất không co cụm ở một vài địa phương
Thời điểm này, không ít nhà đầu tư địa ốc chi mạnh tiền để gom hàng. Tưởng rằng sẽ thu về lợi nhuận khủng, nhưng không ít nhà đầu tư đang "sa lầy" vì mua dễ, bán khó.
Sốt đất không co cụm ở một vài địa phương
Thị trường bất động sản ngay sau Tết Nguyên đán, đặc biệt phân khúc đất nền, ở nhiều địa phương trở lại nhộn nhịp. Có những thời điểm giá đất nông thôn ở một số khu vực được ghi nhận "nhảy múa" từng giờ.
Nhiều địa phương trong mấy năm gần đây đã liên tục đón các cơn “sốt” đất. Theo đó, giá đất cũng đã tăng gấp 2-3 lần, thậm chí đến 4 lần chỉ trong thời gian ngắn.
Cơn "sốt" cũng được phản ánh ở nhiều nơi như ở Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Dương, Kon Tum, các khu vực lân cận TP.HCM…
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh đã lý giải, nguồn lực đầu tư hiện vẫn còn rất lớn. Thêm nữa, sau mỗi đợt tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán, rất nhiều nhà đầu tư có xu hướng chuyển lợi nhuận sang bất động sản.
Việt Nam đang đứng trước bài toán về áp lực lạm phát trong 2-3 năm tới. Cùng với đó, các yếu tố địa chính trị, tình hình dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh tiếp tục khó khăn. Trong bối cảnh này thì bất động sản là một trong những kênh được chú ý đến, ông Chánh cho hay.
Sốt đất không co cụm ở một vài địa phương mà đã lan rộng khắp nơi. Nhiều đô thị lớn vừa qua thiếu nguồn cung trầm trọng. Ngoài ra, giá đất ở các đô thị lớn tăng cao. Vụ Thủ Thiêm được đánh giá có hiệu ứng lan tỏa sang các địa phương khác, ông Chánh chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành cho biết, sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản là một trong những động lực cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng "sốt đất" khi không được quản lý tốt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy do đây là thị trường dòng tiền lớn, có thể gây bất ổn vĩ mô và ảnh hưởng đến nhiều gia đình.
Theo ông Thành: "Hơn nữa, giá đất cao bất thường sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của người dân, doanh nghiệp, cản trở nhu cầu có nhà ở cũng như nhu cầu mặt bằng phát triển sản xuất, kinh doanh".
Giá tăng nhưng thanh khoản kém
Cùng với đó, nhận định của ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho thấy, giá bất động sản sẽ tiếp tục xu hướng tăng, tuy nhiên tăng nhanh hay chậm còn phụ thuộc yếu tố hấp thụ của thị trường.
Ở phân khúc đất nền được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, ông Kiệt lưu ý cần có sự lựa chọn phù hợp bởi tham gia các thị trường nóng sốt luôn hàm chứa rủi ro lớn. Những địa phương có quy hoạch tốt thì giá sẽ tăng nhưng nhiều nơi thông tin quy hoạch chỉ mang tính chất tham khảo hoặc không chính xác thì nhà đầu tư sẽ rủi ro lớn khi vướng vào.
Ông Nguyễn Quốc Anh cũng cho hay, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận. Bởi thanh khoản còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Chính vì thế, ông cho rằng các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt ai sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý 2 khía cạnh:
Thứ nhất, là cần lưu ý khảo sát mặt bằng giá ở các khu vực, bởi giá bất động sản ở miền Bắc nhiều nơi đã tăng 3-5 lần trong thời gian qua. Giá neo ở mức cao nên có thể gặp khó khăn trong thanh khoản.
Thứ hai là cần lưu ý tới sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư. Theo ghi nhận của đơn vị nghiên cứu này, dòng tiền đang có sự chuyển hướng từ miền Bắc vào miền Trung.
Số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, bình quân 2 tháng đầu năm, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Tình hình chính trị thế giới cũng tác động đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Chuyên gia trên cho rằng dưới tác động của việc tăng giá dầu, kim loại quý và vật liệu xây dựng, giá bất động sản trong quý I năm nay có xu hướng tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
TS Sử Ngọc Khương đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, cho hay, cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.
TS Khương nhấn mạnh: "Tôi cho rằng trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra trong quá khứ.
Trong tháng 9-12 tháng tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá".
Giám đốc cấp cao của Savills nhấn mạnh: "Tuy nhiên, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng".
Bùi Hằng
(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)