Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Đà Nẵng ngừng cấp phép các loại hình căn hộ condotel đã được dự báo từ trước.
Thứ nhất, kể từ năm 2017, sau khi CocoBay Đà Nẵng đổ vỡ, niềm tin của nhà đầu tư đã gần như chạm đáy, và xuất hiện làn sóng tháo chạy khỏi thị trường. Cho tới nay, nguồn cung, khối lượng giao dịch các sản phẩm condotel rất thấp, hàng nghìn căn hộ rơi vào tình trạng “ế” không có người mua.
Báo cáo cho thấy, trong cả năm 2020, Đà Nẵng có đúng 1 dự án condotel mở bán, đưa ra thị trường 172 sản phẩm. Cả năm chỉ tiêu thụ được 304 căn, đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Các dự án tập trung dọc theo trục đường ven biển Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa và Lạc Long Quân của Quảng Nam. Thị trường có sự dịch chuyển về chương trình ủy thác cho thuê. Cụ thể tỷ lệ cam kết và thời gian cam kết giảm đáng kể so với giai đoạn 2016 – 2018.
Thứ hai, trong suốt 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch tới Đà Nẵng giảm rất mạnh, từ đó, nhu cầu thuê các căn hộ condotel để du lịch, nghỉ dưỡng cũng sụt giảm nghiêm trọng. Những nhà đầu tư đã rót vốn trước đó, không thể thu hồi vốn từ hoạt động cho thuê căn hộ, dẫn đến tình trạng bán cắt lỗ ồ ạt.
Thứ ba, tính pháp lý của condotel vẫn chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước xác thực, nhiều bộ luật chồng chéo, khiến phân khúc condotel gần như bị “bỏ rơi”. Tính tới đầu năm 2021, cả nước có gần 83.000 căn hộ condotel chưa được cấp sổ hồng.
Điều này khiến các địa phương lúng túng trong việc cấp phép dự án mới, cũng gây ra khó khăn trong công tác quản lý. Chủ đầu tư dự án cũng vì nhập nhằng pháp lý, nên chưa mạnh tay đầu tư vào các dự án mới.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia bất động sản đánh giá: Do có thể mạnh về du lịch, Đà nẵng là địa phương có số lượng condotel nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư xuống thấp, kết hợp với yếu tố dịch bệnh đã khiến phân khúc condotel Đà Nẵng rơi vào tình trạng trầm lắng.
“Vì vậy, việc Đà Nẵng không còn cấp phép loại hình condotel là điều đã được dự báo từ trước”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá: Condotel là phân khúc cần thiết để phát triển ngành du lịch Việt Nam.
"Để đáp ứng được nhu cầu theo chiến lược của Thủ tướng, Việt Nam cần rất nhiều dự án lưu trú như condotel. Tuy nhiên, việc triển khai loại hình này cần có lộ trình và theo từng giai đoạn. Bởi theo thống kê của hiệp hội, những dự án condotel được cấp phép và đang triển khai đã tăng lên một con số khá lớn", ông Đính cho biết.
Dù vậy, sau một thời gian phát triển quá nóng, đã khiến dòng sản phẩm condotel dư thừa nguồn cung. Do đó việc siết chặt dự án condotel mới là thực sự cần thiết cho thị trường.
Chưa kể, theo ông Đính, trên thị trường đang còn rất nhiều dự án dở dang và chuẩn bị triển khai. Nếu lượng dự án này được phát triển hết thì tình trạng lệch pha cung cầu sẽ là tất yếu, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
"Không những vậy, hành lang pháp lý của loại hình này vẫn còn đang bỏ ngỏ, trong khi các dự án hiện thường bị các chủ đầu tư “lách luật” bán lúa non, gây ra nhiều hệ lụy không đáng có. Đây sẽ là khoảng lặng để các chủ đầu tư nhìn nhận lại thị trường và chờ đợi hành lang pháp lý vững chắc cho loại hình này", ông Đính bày tỏ quan điểm
Việt Vũ
(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)