Thông tin rao bán cắt lỗ.
Phân khúc thứ 2 cũng ghi nhận dấu hiệu bán "cắt lỗ" đó là đất nền. Kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát trở lại vào tháng 4, không ít nhà đầu tư cũng nhanh chóng thoát hàng. Cụ thể, ghi nhận thực tế tại các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Hải Phòng,… mức giá rao bán của sản phẩm như đất nền trung bình từ 5-15%. Cá biệt, có một số sản phẩm được môi giới rao giảm giá tới 30%.
Báo cáo của VARs nhận định: "Tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải chịu hậu quả. Việc rao bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra khá phổ biến trên thị trường".
Lấy dẫn chứng về tình trạng cắt lỗ, giảm giá, VARs ghi nhận, giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững và giữ ở mức ngang với giá ở cuối quý 1/2021. Qua thông tin chào bán trên thị trường, có thể thấy giá đất một số khu vực có hiện tượng "sốt" trước đây như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức… đã có dấu hiệu sụt giảm. Tuy nhiên, cũng không có giao dịch thực.
Xu hướng "cắt lỗ" được các chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ trên thị trường bất động sản, nhất là trong bối cảnh kịch bản kiểm soát dịch vẫn chưa có tín hiệu tích cực.
Giá trị bất động sản đã "bớt ảo"
Tình trạng "cắt lỗ", giảm giá bất động sản được nhiều chuyên gia nhận định, đây là tín hiệu cho thấy giá bất động sản đang trở về với giá trị thực.
Bởi trước đó, báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản đều ghi nhận về diễn biến tăng nóng giá bất động sản ngay khi chỉ có những thông tin tích cực trên giấy. Khảo sát ghi nhận, cơn sốt cục bộ vào thời điểm sau Tết Nguyên đán đã đẩy mức giá đất tăng từ 10-20%, cá biệt một số khu vực tăng 50%. Trước đó trong năm 2018-2019, giá đất cũng đã nhảy múa ở nhiều khu vực như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên…
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng thừa nhận, thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đẩy giá. Điều này có nghĩa, giá bất động sản tại một số khu vực đang rơi vào tình trạng tăng ảo, không dựa trên giá trị thực.
Phân tích về hiện tượng tăng giá bất động sản, ông Dương Đức Hiển, nguyên Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trun từng cho rằng, giá bất động sản tăng dựa trên cơ sở như hạ tầng giao thông, quy hoạch. Việc tăng giá này cho thấy giá bất động sản đang được định vị lại về giá trị thực. Ngược lại, nếu giá bất động sản không dựa trên những thông tin thật thì có nghĩa bất động sản đang tăng ảo, bị đẩy giá.
Tình trạng rao bán đất đang diễn ra nhiều diễn đàn.
Quan sát thị trường bất động sản trong giai đoạn 2019-2021, thị trường bất động sản đã có giai đoạn tăng đột biến, bất chấp nguyên tắc tăng giá thông thường. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng cắt lỗ mới bắt đầu diễn ra.
Ông N.M (Giám đốc Công ty bất động sản tại Hà Nội) nhận định về diễn biến của thị trường bất động sản: "Nhà đầu tư đang trả bất động sản về giá trị thực của nó bởi thực tế trước đây giá đã tăng quá mạnh. Những nhà đầu tư khác săn hàng cũng cần lựa chọn điểm rơi để xuống tiền vì có thể giá bất động sản sẽ tiếp tục giảm sâu".
Một chuyên gia địa ốc đến từ Hà Nội khẳng định: "Thị trường bất động sản đang trở về với giá trị thực vốn có sau khoảng thời gian sốt nóng, tăng giá đột ngột. Covid-19 đã trở thành tác nhân thanh lọc lại thị trường, đưa mọi thứ trở về vị trí bình ổn".
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Huỳnh Phước Nghĩa - Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) từng cho rằng, Covid-19 đang lái thị trường về chuỗi giá trị thật hơn là tìm kiếm lợi nhuận ảo sau một thời gian dài các cơn sốt đất đã hình thành nhiều mặt bằng giá ảo.
Nguyễn Minh
(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)