Tại "Hội nghị BĐS 2018 – Động lực tăng trưởng mới" do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức vào 10/12 vừa qua, các chuyên gia đầu ngành nhận định, BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam dưới con mắt nhà đầu tư trong nước và quốc tế vẫn là một thị trường giàu tiềm năng. Nhìn nhận tổng quan hoạt động của thị trường nghỉ dưỡng, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE khẳng định, không có cơ sở để lo lắng về bội cung, dư cung trong phân khúc nghỉ dưỡng.
Theo đó, vị chuyên gia CBRE cho biết, hiện nay BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam chủ yếu mới phát triển ở 4 địa phương chính là Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc với nguồn cung vô cùng khiêm tốn. Cụ thể, Nha Trang có nguồn cung nghỉ dưỡng dồi dào nhất cũng mới chỉ ở mức ở 28.122 căn, Đà Nẵng xếp thứ hai với 22.375 căn, Hạ Long và Phú Quốc ở vị trí còn lại với 7.921 và 7.831 căn. Con số này khá nhỏ so với Phuket Thái Lan (98.448 căn).
Bên cạnh đó, hầu hết nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng hiện hữu tại các thị trường trên đều có sức tiêu thụ tốt. Cụ thể, ở loại hình condotel, ba thị trường lớn là Hạ Long, Phú Quốc và Đà Nẵng đều ghi nhận lượng tiêu thụ đạt 100% nguồn cung chào bán, chỉ có Nha Trang có lượng tồn dư vào khoảng 3.000 căn. Riêng với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, gần như 90% nguồn cung chào bán ở cả 4 khu vực đều được tiêu thụ hết.
Nhìn nhận về thị trường BĐS Việt Nam, ông Andy Han Suk Jung, TGĐ SonKim land cho biết, hiện nay giá trị lợi nhuận tăng trưởng BĐS của thị trường Việt Nam đang rất hấp dẫn, ở mức 15%/năm, việc đầu tư BĐS hiện tại được đánh giá là giàu tiềm năng và mang lại khá nhiều thành công cho nhà đầu tư trong đó có cả nhà đầu tư ngoại. Ông Jimmy Chan TGĐ Alpha King cũng cho biết, cá nhân ông tin tưởng và đầu tư vào loại hình condotel và biệt thự nghỉ dưỡng vì đây kênh đầu tư đã mang lại lợi nhuận có thể lên đến 34%/năm so với các phân khúc khác.
Nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các
nước trong khu vực.
Vấn đề của BĐS nghỉ dưỡng hiện nay không phải là yếu tố nguồn cung mà câu hỏi đặt ra cho những nhà phát triển dự án thuộc phân khúc này là nên phát triển sản phẩm theo hướng lợi nhuận ngắn hạn hay hướng đến chất lượng để xây dựng uy tín.
Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đang áp dụng hình thức cam kết lợi nhuận cao nhưng lại không đề ra cơ sở rõ ràng và sử dụng nhiều chiêu thức khấu trừ để qua mặt người mua. Theo các chuyên gia, đây thực chất là một con dao hai lưỡi.
Ông Michael Piro, Giám đốc Điều hành Indochina Capital nhận định, từ 2009 đến nay, BĐS nghỉ dưỡng ghi nhận bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở Việt Nam người mua BĐS phần lớn là nhà đầu tư nên các đơn vị phát triển dự án thường tập trung vào yếu tố cam kết lợi nhuận để thu hút khách hàng. Về hình thức bán hàng này, ông Michael Piro cho rằng, các cam kết lợi nhuận từ 80-100% như trên không phải là một ý tưởng tồi nhưng nó chỉ tốt khi có người hỗ trợ thực hiện.
Các cam kết gần như chưa phát huy được hiệu quả thực tế nên nếu muốn xây niềm tin cho người mua nhà thì các CĐT cần phải có hướng phát triển đồng bộ và các lộ trình cụ thể, rõ ràng. Hiện nay, việc một số CĐT làm ăn bất chính đã khiến người mua mất niền tin vào các cam kết lợi nhuận và vô hình chung gây ra tác dụng ngược lên sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng.
Đồng quan điểm trên, bà Dương Thùy Dung nhận định, vào năm 2020 nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng mới dự kiến sẽ tăng mạnh tại hầu hết các thị trường truyền thống. Đơn cử, Hạ Long - Quảng Ninh sẽ có thêm 14.739 căn biệt thự, codotel mới chào bán; Đà Nẵng là gần 35.600 căn; Nha Trang là 34.250 căn và Phú Quốc có khoảng 15.000 căn. Với mức độ cạnh tranh ngày càng mạnh của thị trường, giá thuê và giá bán sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, khả năng sụt giảm lợi nhuận cho thuê khi nguồn cung gia tăng là hoàn toàn có cơ sở, nhất là ở các dự án có chất lượng không cao. Điều đó cũng có nghĩa là các cam kết lợi nhuận khó lòng thực hiện và chính sách bán hàng dựa trên lợi nhuận nhất thời khó thu hút được người mua như trước.
Trên phương diện cá nhân, CEO của Indochina Capital cho rằng, BĐS nghỉ dưỡng không chỉ là phân khúc đầu tư để kiếm tiền. Rất nhiều khách hàng mua BĐS nghỉ dưỡng vừa để đầu tư vừa để nghỉ dưỡng. Vậy nên các CĐT đừng quá tập trung vào cam kết đầu tư, cái cần quan tâm là đẩy mạnh chất lượng dự án và tạo ra giá trị sản phẩm đầu tư với lợi nhuận lâu dài.
“Một dự án tốt sẽ vẫn thu hút người tìm mua bất chấp có hay không cam kết lợi nhuận. Thị trường du lịch Việt Nam đang là bàn đạp rất tốt để BĐS nghỉ dưỡng tăng trưởng, vậy nên vấn đề còn lại là các CĐT cần đầu tư những dự án chất lượng, cho người mua thấy giá trị lợi nhuận suốt đời mà sản phẩm mang lại thay vì chạy theo lợi nhuận nhất thời”, ông Michael Piro nhất mạnh.
Công ty BĐS Đà Thành Đô st