Chậm một ngày, 2 công ty trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm bị tính tiền phạt 2,3 tỉ đồng
Cứ chậm một ngày, 2 công ty trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm bị tính tiền chậm nộp 2,3 tỉ đồng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết tuần tới sẽ họp với Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Tư pháp và Sở Tài chính để xin ý kiến trước khi tham mưu cho UBND TP.HCM về đề xuất xin trả góp của 2 công ty trúng đấu giá.
Hôm qua 7-4, Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega đã có văn bản xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9-2022.
Cụ thể, tháng 4, hai doanh nghiệp này sẽ nộp 15% tổng số tiền, các tháng 5, 6, 7, 8 mỗi tháng nộp 17% và tháng 9-2022 sẽ thanh toán toàn bộ số tiền còn lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 8-4, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết đây là việc chưa từng có tiền lệ, do vậy các sở ban ngành liên quan phải họp để xin ý kiến trước khi tham mưu cho UBND TP.HCM.
Cuộc họp dự kiến được ấn định vào đầu tuần tới. Ngoài ra, Cục Thuế TP.HCM cũng phải báo cáo Tổng cục thuế và Bộ Tài chính về vấn đề này.
Lý do là theo quy định của Luật quản lý thuế, người nộp thuế được gia hạn nộp thuế nếu thuộc một trong các trường hợp như: bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng (bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ…).
Hoặc doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh…
Tuy nhiên những vấn đề mà doanh nghiệp nêu trong văn bản đều không thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.
Do vậy trước mắt cơ quan thuế vẫn tính tiền chậm nộp theo quy định là 0,03%/ngày. Việc tính chậm nộp cho đợt đầu tiên đã áp dụng từ ngày 6-2 và từ ngày 7-4, doanh nghiệp bị tính thêm tiền nộp chậm đợt 2. Hiện nay số tiền chậm nộp mỗi ngày hai doanh nghiệp này phải nộp là hơn 2,3 tỉ đồng.
Về cưỡng chế, theo quy định của Luật quản lý thuế, người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định sẽ thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho hay đến thời điểm này, cơ quan thuế chưa ban hành quyết định cưỡng chế thuế với Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega vì nhiều lý do, như đây là khoản đấu giá đất chứ không phải nợ thuế, doanh nghiệp cũng có văn bản xin… nộp dần.
Ngoài ra, trước khi ban hành quyết định liên quan đến các công ty trúng đấu giá này, Cục Thuế TP.HCM cũng phải xin ý kiến các cơ quan liên quan.
Trước đó, trong văn bản gửi UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan, Công ty cổ phần Dream Republic cho biết có nhiều diễn biến xảy ra ngay sau thời điểm đấu giá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kế hoạch phát triển dự án của công ty.
Đầu tiên, công ty này kể đến tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Công ty này cũng đổ lỗi cho các biến động về kinh tế, chính trị trên thế giới gần đây, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga cũng ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư, khả năng sắp xếp các nguồn tài chính của Công ty cổ phần Dream Republic.
Đồng thời nêu ra lý do có sự xuất hiện một cách thiếu kiểm soát của hàng loạt thông tin tiêu cực từ các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí và mạng xã hội ngay sau cuộc đấu giá và sau thời điểm bỏ cọc của một số đơn vị trúng đấu giá…
Trước đó, Công ty cổ phần Dream Republic đã trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2). Doanh nghiệp này phải đóng 3.820 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.
Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2), đóng 4.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.
Điều 62. Gia hạn nộp thuế
1. Việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 điều 3 của luật này;
b) Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp bất khả kháng bao gồm: a) Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; b) Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.
Điều 125. Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế
1. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm:
a) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;
b) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;
c) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
d) Ngừng sử dụng hóa đơn;
đ) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật;
e) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;
g) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
(trích Luật quản lý thuế)
MINH THÀNH
(Sưu tầm: Công ty ĐÀ THÀNH ĐÔ - 357 Lê Quảng Chí - Hòa Xuân - Cẩm Lệ - Đà Nẵng)