Tháng 11/2017 những chuyến chuyên cơ tấp nập đưa các tỷ phú thế giới, các CEO hàng đầu thế giới đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Họ có mặt để tham dự Hội nghị CEO Summit. Chính sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài đã góp phần tạo ra một bước tiến dài của hành trình Đổi mới đất nước, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Quyết định mang tính lịch sử
Là người gắn bó với khu vực FDI ngay từ những ngày đầu tiên, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn Đầu tư nước ngoài vẫn nhớ như in, “Chúng ta khát vốn, làm không đủ ăn, do vậy, buộc phải nghĩ đến nguồn lực nước ngoài. Đó là lý do ngay sau Đổi mới đã thông qua luật đó”.
Hẳn nhiều người còn nhớ, khủng khoảng kinh tế với lạm phát lên đến 775% năm 1986 bởi hàng loạt yếu kém của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, rốt cuộc, cũng đưa đến những lựa chọn đột phá. Một trong những lựa chọn đó, còn ảnh hưởng vô cùng lớn tới ngày nay, là phải viết cho được bộ Luật Đầu tư nước ngoài.
Cái khó là ở chỗ, Hiến pháp 1980 chỉ đề cập 2 thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Ông Mại kể, các nhà soạn thảo đã phải viết dự án luật Đầu tư nước ngoài trong tình thế bị một vòng kim cô buộc cổ. Và họ chỉ có vỏn vẹn 6 tháng để viết. Do đó, việc ra đời bộ luật này “là một quyết định mang tính lịch sử”.
Chính sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài đã góp phần tạo ra một bước tiến dài của hành trình Đổi mới đất nước.
|
Thời điểm đó, các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia đều trải qua giai đoạn mở cửa dần dần, giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%, còn Việt Nam ngay lập tức đã mở toang, thông thoáng hết mức, chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chỉ giới hạn tỷ lệ góp vốn tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 30% mà không giới hạn tối đa.
Trong giai đoạn đầu, các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn rất nhỏ, có dự án chỉ vài chục ngàn đô la, ví như dự án làm taxi ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ yếu là để phục vụ các chuyên gia làm việc ở Liên doanh Vietsovpetro.
Lúc đó, Ban Kinh tế đối ngoại là cơ quan chịu trách nhiệm cấp giấy phép cho nhà đầu tư nước ngoài. Khi ấy, ban này mới chỉ cấp được 8 giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 5 triệu USD.
Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) được thành lập vào tháng 3/1989. Đây là ủy ban liên bộ có nhiều thẩm quyền, phê duyệt dự án rất nhanh, khi cần thiết có thể trình thẳng lên Thủ tướng. Những thủ tục này tạo ra những làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đem lại nhiều hào hứng cho các nhà đầu tư.
Từ số 0 trở thành điểm nóng
Năm 1993, nhà đầu tư Central Trading & Development Group (CT&D - Đài Loan) tới Việt Nam thành lập tới 3 công ty để phát triển Khu chế xuất Tân Thuận; xây dựng nhà máy điện có vốn FDI đầu tiên ở Việt Nam; kiến tạo Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Sau đó là hàng loạt nhà đầu tư khác, bộ mặt đô thị Việt Nam đã thay đổi. Tính đến nay, đã có trên 52,7 tỷ USD vốn FDI được đăng ký đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Ngành công nghiệp xây dựng và các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam theo đó mà phát triển chẳng hạn như công nghiệp dầu khí.
Nếu CT&D góp phần quan trọng làm nên làn sóng đầu tư thứ nhất vào Việt Nam, thì Intel (Mỹ) là một nhà đầu tư quan trọng của làn sóng đầu tư thứ hai. Ông Mai Liêm Trực – Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông khẳng định, không có nhà đầu tư nước ngoài thì ngành viễn thông không có được bước phát triển như ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Mại kể, xác định đây là một dự án trọng điểm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành lập một tổ đặc nhiệm để xem xét, đàm phán với Intel. 28 yêu cầu của Intel được tổ đặc nhiệm phân chia rõ ràng thành những yêu cầu không thể đáp ứng, không cần đàm phán và có thể đàm phán để từng bước “mặc cả”.
Cách làm khoa học ấy khiến Intel rất ấn tượng. Intel là dự án đầu tiên và duy nhất mà Chính phủ Việt Nam chấp nhận hỗ trợ tài chính, khoảng 70 triệu USD. Lúc ấy, chúng tôi cũng đã nói với Chính phủ rằng, với dự án này, không nên đặt nặng vấn đề tài chính, bởi ý nghĩa của nó còn lớn hơn thế, ông Mại nhấn mạnh.
Cuối năm 2006, Intel chính thức nhận giấy phép đầu tư dự án 1 tỷ USD. Sự kiện ấy đã gây tiếng vang lớn trong nước và thế giới. Từ đó, Việt Nam đã có tên trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Sau Intel, hàng loạt các đại gia công nghệ đã vào Việt Nam như Samsung, Foxconn, Microsoft…
Cuộc sống thịnh vượng hơn
Không thể phủ nhận, sự góp mặt của các tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn trên thế giới ở Việt Nam đã đem đến nhiều thay đổi cho hàng triệu người dân và các vùng đô thị.
Ví dụ, tập đoàn Samsung đã giúp hàng trăm ngàn các chàng trai cô gái bước ra khỏi ao làng đồng ruộng để thay đổi cuộc sống nhờ có công việc với thu nhập tốt, cơ hội học hỏi và nâng cao tay nghề ở nơi đây. Từ khi Samsung đầu tư tới 6,2 tỷ USD ở Thái Nguyên và hơn 9 tỷ USD ở Bắc Ninh, bộ mặt hai tỉnh này đã thay đổi. Sản phẩm sản xuất tại đây đã xuất khẩu tới 128 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong số những chàng trai cô gái đã thay đổi được cuộc sống có trường hợp một cậu thanh niên trẻ sinh ra trong gia đình đông anh em, bố mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời, một mình mẹ em phải gánh vác cả gia đình, gia tài của cả nhà là ngôi nhà tranh vách đất. Chàng trai đã quyết định dứt áo ra đi với mong ước kiếm tiền để nuôi mẹ và xây dựng ngôi nhà mới. Từ ngày chàng trai bước chân vào Samsung làm nhân viên sản xuất với mức lương 7-8 triệu/tháng, có lúc lên tới chục triệu, sau 3 năm tích góp cậu đã giúp mẹ xây dựng được ngôi nhà mới khang trang hơn.
Sau đó, chàng trai theo học chương trình cao đẳng nội bộ của Samsung. Sau khi tốt nghiệp chương trình Cao đẳng cộng với số tiền dành dụm trong nhiều năm làm việc kết hợp vay mượn đã thôi thúc chàng quyết tâm đi du học Nhật Bản đúng chuyên ngành mà mình vừa theo học cao đẳng.
Chỉ 5 năm trước, Thái Nguyên được biết đến có sắt thép, chè, xuất khẩu chỉ đạt trên 135 triệu USD. Nhưng giờ đây, con số có thể lên tới 24 tỷ USD, đưa Thái Nguyên đứng top đầu trong các địa phương có xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng xuất khẩu của Samsung đã chiếm tới 99% kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vì thế đã thay đổi ngoạn mục ở tỉnh này, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm mạnh tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2017, dự kiến tăng trưởng GRDP của Thái Nguyên đạt 12,6%, cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước.
Ông Lê Duy Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc quả quyết, Vĩnh Phúc có được hôm nay là nhờ FDI. Năm 1997, khi bắt đầu tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đứng gần áp chót (thứ 57) trong số 61 tỉnh, thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách chỉ 80 tỷ đồng/năm, còn thu nhập bình quân đầu người chỉ 2 triệu đồng/năm. Khi các nhà đầu tư đổ vào tỉnh như Honda, Toyota thì năm 2016, thu ngân sách của tỉnh đã đạt 33.000 tỷ đồng, tăng hơn 300 lần so với trước đây, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Bình Dương, sau 30 năm thu hút FDI đã có hơn 29,5 tỷ USD vốn FDI. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh năm 2016 đã đạt trên 530.412 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2011. Còn Đồng Nai, nhờ lực đẩy của 27 tỷ USD vốn FDI đã đăng ký, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 200 lần so với năm 1985…
Công ty BĐS Đà Thành Đô